Sơn La đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm an toàn tại Hà Nội

Chiều 10/3, Đoàn công tác của UBND tỉnh Sơn La đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, kết hợp phát triển du lịch.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La rất mong muốn được Hà Nội hỗ trợ giúp đỡ trong việc kết nối để đưa các nông sản thực phẩm an toàn của Sơn La về tiêu thụ tại Hà Nội; đồng thời quảng bá các địa điểm du lịch nổi tiếng của Sơn La như Mộc Châu, Vân Hồ đến với người dân Hà Nội nhằm gắn kết mô hình du lịch sinh thái với trang trại nông sản thực phẩm sạch... 

Ông Nguyễn Quốc Khánh cũng cho biết, năm 2016, Hà Nội và Sơn La đã ký kết biên bản về Hợp tác kết nối, tiêu thụ nông sản thực phẩm của Sơn La trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch của Hà Nội định kỳ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn Sơn La, giới thiệu doanh nghiệp Hà Nội đầu tư một số chợ gắn với thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn tại tỉnh Sơn La, phối hợp đưa các doanh nghiệp và mặt hàng đặc sản của tỉnh Sơn La tham gia chương trình Đặc sản vùng miền Việt Nam tại Hà Nội và xuất khẩu. 

Sản phẩm mận hậu của huyện Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: Công Luật/TTXVN

 

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Tổng công ty Thương mại Hà Nội giới thiệu doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp Sơn La để đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn, tổ chức các khóa tập huấn xúc tiến thương mại... 

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, được UBND thành phố Hà Nội giao là đầu mối thường xuyên liên hệ, phối hợp với sở Công Thương tỉnh Sơn La trong việc kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, Sở luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Sơn La đưa sản phẩm của mình về tiêu thụ tại Hà Nội thông qua nhiều hình thức như chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... Tuy nhiên, các sản phẩm của Sơn La phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất mới có thể đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị được. 

Đồng quan điểm với bà Trần Thị Phương Lan, ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, mặc dù Hà Nội có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhưng mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại vẫn phải nhập nông sản thực phẩm từ các địa phương khác, nhất là hoa quả tươi, rau an toàn. Sơn La muốn đưa nông sản về Hà Nội tiêu thụ cần phải xây dựng được quy trình sản xuất nông sản làm sao để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nếu làm được như vậy không lo gì sản phẩm của Sơn La không có nơi tiêu thụ. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, với kinh nghiệm của Hapro trong nhiều năm qua đã hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh về tiêu thụ có hiệu quả ở Hà Nội, thậm chí còn xuất khẩu. Điển hình như cây chè của Sơn La xuất khẩu tốt ra nước ngoài được có công rất lớn của Hapro hay cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều (Bắc Giang)... 

Tuy nhiên, để quảng bá giới thiệu được sản phẩm thành công, Sơn La phải chọn ra sản phẩm chủ lực để giới thiệu cũng như phải có doanh nghiệp đủ mạnh để "dẫn dắt". Hapro sẵn sàng tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm đó vào hệ thống tiêu thụ nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho Sơn La.

Bình luận của bạn