Sức mạnh hàng Việt: Du lịch là một trong những lợi thế cạnh tranh

Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia phát triển hàng đầu của thế giới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội lớn cho quốc gia.

Tuy nhiên, dù thuận lợi là hàng rào thuế quan về 0% nhưng thách thức lớn hơn khi hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật lại tăng lên nhiều lần. Nếu Việt Nam chỉ tìm cách cạnh tranh về các sản phẩm công nghiệp, công nghệ thì chẳng khác nào “trứng chọi đá”; trong khi đó lại không tận dụng được thế mạnh của Việt Nam là về nông sản, du lịch.

 TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Hội nhập và sức mạnh hàng Việt vừa diễn ra tại Hà Nội. Ông Thiên phân tích, Việt Nam tham gia các tuyến hiệp định thương mại toàn cầu với các nước có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, và sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng là các sản phẩm áp dụng những tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật cao nhất thế giới. Còn Việt Nam có xuất khẩu điện thoại nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở các chi tiết lắp ráp, còn những sản phẩm “đẳng cấp” thì rất ít, chất lượng cũng chưa phải là cao; và Việt Nam vẫn là bán hàng thô, là nơi gia công của các doanh nghiệp toàn cầu. Do đó, nếu không đáp ứng được hàng rào kỹ thuật này thì sản phẩm Việt Nam dễ dàng bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Trên thế giới đã nhắc nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn doanh nghiệp Việt Nam cũng mới bắt đầu đề cập đến vài tháng nay. Cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng sản xuất dựa vào robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ in 3D... Do đó, nếu Việt Nam không thay đổi chính sách, doanh nghiệp Việt Nam không bứt phá mà chỉ chờ đợi chính sách thì sẽ nằm trong con số dự báo của thế giới là mất hàng triệu việc làm vào năm 2025.

“Vậy Việt Nam xuất khẩu gì? Làm gì để thắng?”, Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương cho rằng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là lợi thế tự nhiên như các loại sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch. “Tôi đã từng nói chúng ta lạc hướng trong nông nghiệp, ví dụ xuất khẩu gạo mạnh ở thời đói nhưng yếu ở thời phát triển. Đã có tranh cãi người Việt Nam lười hay không lười, quan điểm chưa ngã ngũ nhưng phải thừa nhận là hiệu quả lao động còn thấp. Lợi thế của người Việt Nam là khéo léo, tinh tế trong thời đại này là rất tốt nhưng tại sao xuất khẩu lại khó? Vậy Việt Nam thiếu cái gì và thừa cái gì mà chưa xuất khẩu được? Một phần thừa ở đây là thừa chính sách, thừa quy định, quy trình, thừa thủ tục nhưng thiếu sự công khai minh bạch làm doanh nghiệp mất động lực. Doanh nghiệp thì nhỏ lẻ, chưa tạo ra được những chuỗi cung ứng lớn, chưa quảng bá được thương hiệu để xuất khẩu”, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.

Du lịch gắn với dịch vụ được coi là lợi thế cạnh tranh ở tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch Hội Đào tạo phát triển nghề làm đẹp VN, phát triển du lịch gắn liền với dịch vụ, dịch vụ phải phát triển tương xứng. Trong dịch vụ ăn uống, người Việt Nam còn bị chặt chém, thực phẩm không an toàn thì làm sao du khách nước ngoài có thể yên tâm. Mặt khác, các ngành dịch vụ làm đẹp như làm tóc, thiết kế tóc, chăm sóc da, spa, sơn móng tay nếu người Việt ra nước ngoài thì thu nhập rất cao nhưng ở trong nước lại không phải là lợi thế. Hầu như đây là thị trường phát triển tự do, không có cơ quan quản lý, chất lượng không được quản lý chặt chẽ. Điều này dẫn đến ngành dịch vụ làm đẹp Việt Nam đang có nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà khi Nhật Bản đã bắt đầu xâm nhập vào VN. Đến nay tên ngành nghề dịch vụ làm đẹp chưa nằm trong cơ cấu bản đồ kinh tế Việt Nam và cũng chưa có một nghiên cứu thống kê về doanh thu mà ngành nghề này mang lại. Trong khi đó, nghề làm đẹp tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế Mỹ 14 tỉ USD, tại Hàn Quốc là 4 tỉ USD. Còn Việt Nam, thuế trong ngành spa là 30% nhưng đang bị hạn chế, không cho mở, nhưng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thì lại được phép?

Bình luận của bạn