"Tấm vé thông hành" cho nông sản Việt
Việc này đi liền với giá rẻ và khó cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài nhất là khi hội nhập sâu rộng.
Do đó, phát triển và xây dựng thương hiệu được coi như "tấm vé" giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và sản phẩm tự tin hơn trên xứ người.
*Tiếp cận kênh mới
Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mỗi năm riêng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài chạm tới ngưỡng vài chục tỷ USD, trong đó có hàng trăm triệu USD được các doanh nghiệp xuất khẩu qua kênh siêu thị.
Đơn cử như trường hợp gạo hữu cơ “Hoa Sữa” nổi tiếng của Công ty CP thương mại và sản xuất Viễn Phú với nguyên liệu tại vùng đất U Minh Hạ (Cà Mau) và chế biến ở nhà máy tại Long Xuyên (An Giang) là một minh chứng điển hình về hướng tiếp cận mới để quảng bá thương hiệu nông sản Việt.
Thương hiệu gạo Việt này được nhập khẩu vào thị trường khó tính như Vương quốc Anh bởi công ty BHMT Ltd., Birmingham, UK và bán tại các siêu thị ở Vương quốc Anh và hệ thống Internet.
Để làm nên thành công này, công ty đã tận dụng các trang bán hàng online như Amazon.com, Alibaba.com, cùng đó là quảng bá sản phẩm của mình trên facebook để sản phẩm của mình được đông đảo người tiêu dùng trên toàn cầu biết tới.
Là doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn" nhưng Công ty CP khoa học công nghệ R2D tại Tp. Hồ Chí Minh đang sở hữu sản phẩm “than gáo dừa không khói R2D” đã tiếp cận với Alibaba.com, Lazada…để vừa quảng bá thương hiệu vừa tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Theo bà Lê Hiền, Giám đốc công ty R2D thì đây là một chiến lược cần thiết để quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Với cách làm này, sản phẩm “than gáo dừa không khói” của R2D đã tìm được chỗ đứng tại thị trường Hồng Kông và đang tiếp hướng để thâm nhập vào Mỹ, EU bằng chính thương hiệu của mình.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, việc trái vải thiều vào được hệ thống siêu thị lớn tại thị trường Thái Lan trong bối cảnh quốc gia này có thế mạnh rất lớn với các sản phẩm trái cây nhiệt đới là minh chứng cho việc các nhà sản xuất Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn về chất lượng sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu.
Các chuyên gia thương mại cho hay, thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.
Do đó, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trực tiếp thông qua các kênh siêu thị như Big C, MM Mega Market, Lotte, Aeon… đã lên đến hàng trăm triệu USD, tập trung vào các mặt hàng nước ta có thế mạnh gồm nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng…
Kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây đã có tốc độ tăng trưởng từ 30 – 40% so với năm trước.
Tại nước láng giềng Singapore, nông sản Việt Nam như bưởi năm roi, dưa hấu, bí ngô, thanh long hay khoai lang đã đến được với người tiêu dùng thông qua các siêu thị lớn tại địa phương.
Theo Giám đốc Thương mại hệ thống siêu thị Giant Singapore, ông Jeffrey Yu, doanh nghiệp này đang tìm hiểu thêm những mặt hàng hoa quả của Việt Nam, đồng thời cũng nhận ra rất nhiều cơ hội kinh doanh với các mặt hàng từ Việt Nam và mong muốn mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh với Việt Nam.
*Xây dựng hình ảnh
Bên cạnh những thành công bước đầu, nhưng ông Nguyễn Thái Dũng vẫn thẳng thắn thừa nhận rằng nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa hấp dẫn được người tiêu dùng các nước do chưa chú trọng xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhất là các sản phẩm nông sản.
Sở dĩ vẫn còn nhiều hạn chế này do đa phần doanh nghiệp nên chỉ tập trung vào trồng trọt và tiêu thụ chứ chưa quan tâm đến việc đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý để khẳng định chủ quyền.
Hơn nữa, năng lực hạn chế nên doanh nghiệp vẫn chưa hiểu hết được tầm quan trọng trong xây dựng thương hiệu.
Chính vì thế những việc đơn giản như thiết kế bao bì, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đều bị doanh nghiệp lơ là, bỏ qua.
Đại diện CJ Freshway, một trong số những nhà phân phối nguyên liệu thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cho biết, hiện công ty này đang nhập khẩu các loại sản phẩm nông sản từ các thị trường chính như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand và một số nước khác… mà không phải từ Việt Nam.
"Tấm vé thông hành" cho nông sản Việt. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Lý giải vấn đề này, đại diện Freshway đưa ra ví dụ cụ thể như với sản phẩm thanh long tươi hiện chưa thể xúc tiến xuất khẩu vào Hàn Quốc do yêu cầu cao từ quy định nhập khẩu của nước này.
Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có nhiều nhà máy đủ thiết bị xử lý nhiệt trong khi sản phẩm này cần phải quảng bá mạnh để thúc đẩy nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, đại diện Lottemart cũng chỉ ra những vấn đề trong thiết kế bao bì sản phẩm của nông sản Việt Nam không những thiếu chuyên nghiệp, kém hấp dẫn hơn hẳn so với những mặt hàng cùng loại của các nước láng giềng mà còn về quy chuẩn về kích cỡ, chất lượng, màu sắc, khả năng cung ứng đều đặn...
Theo các chuyên gia thương mại, 2018 là năm được xác định là bản lề của hội nhập, từng Hiệp định thương mại tự do sẽ lần lượt có hiệu lực cũng là lúc các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và cho cả chính mình.
Do vậy, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ từ các trung tâm khuyến nông, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin về thị trường, tư vấn pháp lý cũng như hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì.
Nếu "khéo" xây dựng thương hiệu và từ bỏ “lối mòn” gia công với xuất thô thì việc chiếm thị phần lớn hơn, làm cơ sở cho quốc tế hoá, tăng mức lợi nhuận…chính là hướng đi cần thiết cho các doanh nghiệp Việt trong lúc này.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh việc tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này không những giúp các sản phẩm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…
Đây là cơ hội và tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm ra khu vực và thế giới./.