Tăng cơ hội thực phẩm Việt vào Mỹ
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Còn nhiều rào cản
Tuy vậy, theo Bộ Công thương, dù tăng trưởng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Lý giải thực tế này, nhiều DN cho rằng, đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ là những đơn đặt hàng lớn, giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để có thể xuất được hoặc đủ năng lực đáp ứng được các đơn hàng này rất khó, nhất là đối với các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA). Chưa kể hệ thống pháp luật thương mại phía Mỹ ngày càng phức tạp và thường xuyên thay đổi, DN khó nắm bắt kịp nên rủi ro xuất khẩu rất cao.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, mỗi năm nước Mỹ có khoảng 128.000 người nhập viện liên quan đến lĩnh vực thực phẩm. Thời gian gần đây, nhiều nước đang gia tăng xuất khẩu các mặt hàng tươi sống và nông sản thực phẩm vào Mỹ, trong khi các cơ quan quản lý không đủ lực lượng thanh tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là lý do mà Mỹ ban hành Luật FSMA nhằm tạo ra hành lang pháp lý giám sát, dự phòng và chủ động kiểm soát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thực phẩm; đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ người sản xuất và đơn vị nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Về nội tại, năng lực sản xuất của các DN Việt còn hạn chế về quy mô, chất lượng, công nghệ. Không những thế, cạnh tranh giá thành sản phẩm cũng bị hạn chế do chịu chi phí cao trong logistics, thời gian vận tải dài, khó khăn trong thanh toán, cũng như các biện pháp bảo hộ sản phẩm nội địa của Mỹ...
Nuôi cá diêu hồng VietGAP xuất khẩu tại Công ty APT . Ảnh: CAO THĂNG
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
“Để tăng nội lực cạnh tranh và có thể đưa hàng Việt tiến sâu vào thị trường Mỹ, cách duy nhất là DN Việt cần nắm chắc và đáp ứng đúng, đủ những quy định mà Chính phủ Mỹ đưa ra”, ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng, Tham tán công sứ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Washington D.C. (Mỹ), nhấn mạnh.
Trên thực tế, Luật FSMA không mới, đã khởi động từ năm 2011, đến nay đã 6 năm nhưng nhiều DN Việt Nam vẫn chưa nắm bắt đầy đủ. Với Luật FSMA, DN bắt buộc phải đăng ký mới và đăng ký lại cơ sở sản xuất kinh doanh với FDA để lấy mã kinh doanh hợp lệ trước khi xuất hàng vào Mỹ. Việc đăng ký mới, DN có thể tự đăng ký online vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Còn đăng ký lại cơ sở sản xuất kinh doanh được quy định thực hiện sau 2 năm và vào các năm chẵn, với thời gian gia hạn cố định từ ngày 1-10 đến 31-12 của năm chẵn đó. Trong đó, nếu công ty có nhiều kho bãi, nhà xưởng thì mỗi nơi đăng ký riêng để được cấp mã số cho từng nơi.
Cũng theo ông Đào Trần Nhân, Luật FSMA đòi hỏi DN đăng ký người đại diện tại Mỹ, có trách nhiệm hỗ trợ FDA trong hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa. Nghĩa vụ thông báo trước với FDA cho mỗi chuyến hàng được áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất nước ngoài, trong đó DN cần khai rõ hàng hóa của mình đã từng bị từ chối nhập hàng lần nào chưa. Ngoài ra, DN cũng phải chủ động xây dựng chương trình hành động về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, đảm bảo hàng hóa của mình có thể truy xuất nguồn gốc. FDA có quyền thực hiện thanh tra đột xuất, không cần thông báo cho bất cứ cơ quan chức năng nào của nước nhập khẩu hay doanh nghiệp bị thanh tra.
Tuy nhiên, cũng có giải pháp giúp hàng Việt vào sâu thị trường Mỹ và giảm đáng kể rủi ro trong quá trình xuất khẩu là DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Cách làm này có thể giúp DN Việt xác định được nội lực cung ứng, cũng như khả năng đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn mà phía thị trường Mỹ đưa ra ngay tại nước sở tại.
Để hỗ trợ tốt hơn cho DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục cập nhật và đăng tải thông tin về Luật FSMA trên trang thông tin của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cũng như các tài liệu tư vấn và cung cấp những địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp có thể tiếp cận khi cần hỗ trợ pháp lý, thủ tục xuất nhập khẩu.
Ông Anthony Ho, Giám đốc cao cấp phụ trách mua hàng Công ty Rhee Bros (Mỹ), cho hay hiện Rhee Bros hoạt động như một chợ đầu mối, với việc kinh doanh và cung ứng hàng ngàn sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như nông sản thực phẩm, hàng hóa tươi sống. Hệ thống thu mua của Rhee Bros đã được mở rộng trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Do vậy, DN Việt có thể làm việc với Rhee Bros hoặc bất kỳ hệ thống phân phối bán lẻ toàn cầu, để đưa hàng vào thị trường Mỹ thông qua hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu.