Tăng sức lan tỏa hàng Việt

Để hàng Việt đến với người tiêu dùng (NTD), nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gần 40 "Điểm bán hàng Việt Nam cố định" đã được xây dựng thành công tại các địa phương với sự tham gia của 3.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, làm tăng sức lan tỏa của hàng Việt. 

Bên cạnh nỗ lực vượt khó của các DN, sự ủng hộ của NTD là động lực giúp các DN trong nước tăng trưởng mạnh, thậm chí ở những ngành hàng mà trước đây sự thống trị luôn thuộc về các công ty đa quốc gia.

 Trong khuôn khổ Đề án "Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020", Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện đề án (Bộ Công thương là cơ quan thường trực) đã phê duyệt nhiệm vụ xây dựng thí điểm mô hình "Điểm bán hàng Việt Nam cố định" với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cho 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay đã có gần 40 "Điểm bán hàng Việt Nam cố định" được triển khai tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Bộ Công thương, DN là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của "Điểm bán hàng Việt Nam cố định". Ngoài kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, các DN tham gia chương trình đã tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các điểm bán, đồng thời cam kết duy trì điểm bán đến năm 2020 (trừ trường hợp bất khả kháng). Nhiều DN đã dành khoản kinh phí không nhỏ để bổ sung hàng hóa, đàm phán trực tiếp với các nhà phân phối nhằm giảm chi phí trung gian, phục vụ NTD với giá cả hợp lý. Dù gặp nhiều khó khăn, song các DN đã chủ động đề xuất đặt các điểm bán hàng ở những khu vực ít hàng hóa tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để NTD tiếp cận được nhiều hơn với hàng Việt. Đơn cử như Lan Chi Mart đã đề xuất đặt "Điểm bán hàng Việt Nam cố định" tại Khu công nghiệp Đồng Văn 1 (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) với mục tiêu phục vụ người lao động, công nhân khu công nghiệp, nhằm giảm gánh nặng cho các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp. Điểm bán hàng tại đây đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi khi trở thành điểm đến của nhiều mặt hàng đặc sản của tỉnh Hà Nam, đồng thời thu hút đông công nhân và người dân ở khu vực xung quanh đến mua sắm.

Chiếm gần 70% dân số cả nước với thu nhập ngày càng tăng, thị trường nông thôn đang là “miền đất hứa” cho DN Việt, nhất là trong bối cảnh nhiều kênh bán lẻ dần thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Tiềm năng là vậy, nhưng khai thác thị trường nông thôn không dễ. Theo đánh giá của các DN tham gia chương trình, muốn phát triển bền vững ở thị trường nông thôn, DN phải đầu tư rất lớn về con người và thời gian. Vì đặc trưng của nông thôn là địa bàn rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đều. Ông Nguyễn Đức Anh, giám sát bán hàng Công ty Sữa đậu nành Việt Nam cho biết, để sản phẩm của công ty đến được với khu vực nông thôn, cán bộ đã được giao “cắm chốt” tại địa bàn với nhiệm vụ duy nhất là tìm hiểu nhu cầu của bà con, đồng thời tuyên truyền trực tiếp để người dân nông thôn hiểu và lựa chọn sản phẩm. Đầu tư cho khu vực nông thôn thực sự tốn kém nhưng đổi lại khi được người dân tin tưởng, lượng hàng tiêu thụ được sẽ rất khả quan.

Cùng với nỗ lực vượt khó của các DN Việt, có thể thấy sự ủng hộ của NTD chính là động lực giúp các DN trong nước ngày càng tăng trưởng mạnh, thậm chí ở những ngành hàng mà trước đây sự thống trị luôn thuộc về các công ty đa quốc gia, như dầu gội đầu, sữa rửa mặt, sữa bột, nước ngọt có ga… Báo cáo về nguồn gốc quốc gia của các nhãn hàng do Công ty Nielsen công bố mới đây cho thấy rõ điều đó, khi 48% số NTD được khảo sát trả lời rằng sẽ chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, giá hợp lý thay vì lựa chọn sản phẩm sản xuất ở nước ngoài giá cao. Đáng chú ý, chỉ số này cao hơn cả chỉ số của NTD ở khu vực Đông Nam Á, chỉ đạt 37%. Bên cạnh đó, giá và các thành phần chế biến an toàn cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm nội hay ngoại của NTD.

Để thực hiện tốt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục xây dựng nhiều "Điểm bán hàng Việt Nam cố định" tại các địa phương, trong đó chú trọng thiết lập các điểm bán từ kinh phí xã hội hóa. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu qua chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các kênh truyền thông; đẩy mạnh chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên quy mô toàn quốc; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt trên cả nước…
 

Bình luận của bạn