Tăng thị phần hàng Việt

Coi trọng thị trường nội địa, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành công thương trong năm 2017 và những năm tới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo dự báo của ngành công thương, thương mại toàn cầu năm 2017 sẽ cải thiện hơn so với năm trước, tăng trưởng khoảng 3,8%; giá cả năng lượng và hàng hóa sẽ tăng trở lại và ổn định hơn. Các nền kinh tế lớn được dự báo vẫn tiếp tục duy trì chính sách tài chính linh hoạt thông qua giảm thuế và tăng chi cho an sinh xã hội để kích thích tiêu dùng nội địa, do đó có khả năng sẽ tác động gia tăng nhu cầu nhập khẩu.

Kinh tế Việt Nam năm nay cũng được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi song hành với khó khăn, thách thức. Việc tham gia cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và ký kết, triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 tăng 6,7%, ngành công thương đặt chỉ tiêu chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 8-9%; Xuất khẩu tăng hơn 6-7%, nhập siêu ở mức  dưới 3,5% kim ngạch xuất khẩu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10-11%...

Và để đạt được mục tiêu này, ngành công thương đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm là: Phát triển sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, phát triển thương mại trong nước, coi trọng hội nhập quốc tế về kinh tế và phát triển thương mại biên giới; đồng thời, không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, việc tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh bình đẳng, các doanh nghiệp có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận với thị trường, khai thác đầy đủ các nguồn lực của quốc gia thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa không được bảo đảm thì chắc chắn chúng ta sẽ thua trong cuộc hội nhập này. Bên cạnh việc nâng cao năng lực để tiếp cận được các thị trường nước ngoài, chúng ta cũng phải bảo vệ sản xuất trong nước cũng như thị trường nội địa một cách hữu hiệu bằng các biện pháp phù hợp với các cam kết hội nhập.

Cụ thể đối với lĩnh vực phát triển thương mại trong nước, ngành công thương sẽ đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thị trường miền núi, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2016-2020, Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020, Chương trình Xúc tiến thương mại trong nước...

Tăng thị phần hàng Việt

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Phó Trưởng ban chỉ đạo “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động, đồng thời tăng thị phần hàng Việt lên khoảng 80% tại các kênh phân phối, có rất nhiều việc phải làm trong năm 2017 và những năm tới, trong đó, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo đảm chất lượng hàng hóa là vô cùng quan trọng. Mặt trận Tổ quốc sẽ giám sát trên 2 góc độ.

Thứ nhất, giám sát đối với các cơ quan nhà nước để thực thi các chính sách để làm sao tạo được môi trường thông thoáng, bình đẳng để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để có được các sản phẩm tốt cung ứng ra thị trường.

Thứ hai, giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm của mình đối với xây dựng nền kinh tế. DN phải làm ăn trung thực, nâng cao chất lượng sản phẩm, phải bảo đảm tính an toàn... có như vậy mới góp phần xây dựng hình ảnh, sản phẩm đạt được uy tín và mong đợi của người tiêu dùng.

Bộ Công thương cam kết sẽ thiết lập và vận hành những hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nói riêng và công nghệ số nói chung để hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế. Cùng với tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, Bộ Công thương cũng cam kết tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá đối với những mặt hàng được quản lý; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, tích cực ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Bình luận của bạn