Tạo "cú huých" xuất khẩu hoa Đà Lạt
Nghề trồng hoa tại Đà Lạt (Lâm Đồng) hình thành từ những năm 30 của thế kỷ trước. Giờ đây, thương hiệu “Hoa Đà Lạt” ngày càng tạo được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế và cạnh tranh với những nước có nền nông nghiệp sản xuất hoa tiên tiến, cần “cú huých” để phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Từ hoa công nghệ cao
Trải qua gần 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt đã trở thành vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước, với hàng trăm doanh nghiệp, nông hộ sản xuất hoa công nghệ cao, những làng hoa truyền thống Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành… Hiện, diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận khoảng 7.600 ha, sản lượng đạt hơn 2,5 tỷ cành. Trong đó, TP Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm hơn 63% diện tích sản xuất và 67% sản lượng hoa toàn tỉnh. Chủ trang trại hoa lan YSA Orchid, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Phan Thanh Sang đánh giá: “Qua tìm hiểu ngành sản xuất hoa tại các nước trong khu vực và một số nước châu Âu, chúng tôi cho rằng, Đà Lạt là mảnh đất màu mỡ để phát triển ngành hoa cao cấp và thị trường đang rộng mở với hoa Đà Lạt, việc còn lại là tư duy sản xuất và cách làm…”.
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 70 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu ngành rau và hoa, với tổng số vốn gần 500 triệu USD. Công ty Dalat Hasfarm đến Đà Lạt khá sớm (năm 1994), và trở thành điển hình của sản xuất hoa công nghệ cao tại địa phương. Chính những trang trại trồng hoa của Dalat Hasfarm là “mô hình điểm” giúp nông dân Đà Lạt tiếp cận kỹ thuật sản xuất hoa kiểu mới, đó có thể là cuộc “cách mạng” về công nghệ trồng hoa tiên tiến ở nơi đây. Không lâu sau sự thành công của Dalat Hasfarm, tại Đà Lạt đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao, trong đó, có bốn doanh nghiệp sản xuất hoa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”.
Ban đầu, khái niệm “hoa công nghệ cao” chỉ hạn hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp và một số nông hộ tiên tiến. Năm 2004, trở thành dấu mốc đột phá trong lịch sử ngành hoa Đà Lạt, khi tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Từ đây, hình ảnh sản xuất nông nghiệp kiểu mới đã lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh. Hiện nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Lâm Đồng. Giá trị sản xuất hoa cao cấp bình quân đạt từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng trên mỗi ha, cá biệt có những sản phẩm hoa cao cấp đạt đến ba tỷ đồng/ha.
Năm 2011, hoa Đà Lạt được cấp nhãn hiệu chứng nhận độc quyền tại Việt Nam. Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đã tạo được vị thế không dừng lại ở góc độ cảnh quan, mà được định vị là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường. Tuy nhiên, dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với tiềm năng rất lớn về đất đai, nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng sản phẩm hoa Đà Lạt xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của miền đất thiên nhiên ưu đãi này. Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện sản phẩm hoa Đà Lạt xuất khẩu chỉ chiếm 10,7% sản lượng, giá trị kim ngạch đạt 26 triệu USD. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số công ty trong nước có tiềm lực mạnh, xuất sang thị trường truyền thống, như: Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một lượng nhỏ sang Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Nga và Cam-pu-chia.
Đến thay đổi để “ra biển lớn”
Mục tiêu của Lâm Đồng, đến năm 2020, lượng hoa xuất khẩu chiếm 30% tổng sản lượng toàn tỉnh. Để sản phẩm hoa Đà Lạt vững vàng “bước ra biển lớn”, cần có những “cú huých” trong chiến lược phát triển ngành hoa Đà Lạt.
Để nâng cao giá trị sản phẩm hoa Đà Lạt, chủ động hội nhập quốc tế, nhiều cơ quan quản lý, tổ chức, nhà khoa học và nhà nông đã chỉ rõ những hạn chế trong chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa Đà Lạt, như: Quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật canh tác khác biệt, cho nên sản phẩm hoa không đồng đều về hình thức, chất lượng; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho công tác đầu tư và kế hoạch sản xuất hằng năm. Cùng với đó là hậu quả của việc giống bị thoái hóa, do nông dân sử dụng nguồn giống tự sản xuất quá lâu không được phục tráng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hoa cao cấp xuất khẩu; thiếu thông tin thị trường, gây khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, điều phối hợp lý cung-cầu; đội ngũ chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về hoa còn hạn chế; mối liên kết “bốn nhà” còn lỏng lẻo; kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch gần như bỏ ngỏ, khiến giá trị hoa Đà Lạt giảm đáng kể…
Nhìn nhận về những vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Ngọc Hải cho rằng: “Trước mắt, cần thay đổi tư duy sản xuất, làm sao để bông hoa đạt tiêu chuẩn, chất lượng; những người tham gia chuỗi sản xuất-tiêu thụ đều hưởng lợi; chi phí vận chuyển chiếm một phần nhỏ trong giá thành sản phẩm… thì mới tính chuyện mở rộng xuất khẩu”.
Hiện đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng hoa theo quy mô công nghiệp, phát triển khá tốt. Điển hình là Công ty TNHH Hoa Mặt Trời đang liên kết với hơn 40 nông hộ tại huyện Đức Trọng và huyện Di Linh (Lâm Đồng), trên diện tích 21 ha để trồng lan vũ nữ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Các lô hàng được xuất khẩu đều đặn bằng đường biển. Giá cả được quyết định bởi sàn đấu giá OTA. Theo tính toán, với giá bán thấp nhất, trừ mọi chi phí, mỗi năm, một nông hộ có thể thu về khoảng hai tỷ đồng mỗi ha. Riêng năm 2015, đã có 39 công-ten-nơ lan vũ nữ mang thương hiệu “Hoa Đà Lạt” của liên minh sản xuất Hoa Mặt Trời được xuất khẩu sang Nhật Bản. Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mặt Trời Huỳnh Tấn Sơn cho rằng: “Muốn vươn ra thị trường thế giới, cần trang bị tư duy xuất khẩu. Đó là vấn đề tiên quyết và quan trọng nhất”. Cùng suy nghĩ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào dẫn chứng, cũng là hoa sản xuất tại Đà Lạt, nhưng hoa của Dalat Hasfarm có giá cao hơn nhiều so với hoa nông dân sản xuất mà vẫn được người tiêu dùng chọn mua. Đó là tư duy sản xuất hàng hóa thời kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân, doanh nghiệp sản xuất hoa Đà Lạt vẫn tự “bơi”. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Hiệp diện tích hoa Đà Lạt tăng hằng năm, nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng; cơ quan nhà nước chưa làm tốt chức năng dự báo, định hướng thị trường; phần lớn hộ nông dân vẫn sản xuất theo thói quen, diện tích manh mún, chậm chuyển đổi công nghệ kỹ thuật mới nên giá trị nhiều sản phẩm hoa còn thấp. Vì vậy, trên cơ sở tiềm năng và thực trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm hoa Đà Lạt, cơ quan quản lý và nhiều tổ chức, nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp chiến lược để phát triển ngành hoa Đà Lạt, như: Quy hoạch vùng sản xuất hoa chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý; hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hoa; tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá thương hiệu “Hoa Đà Lạt” ra thị trường quốc tế…
Có thể nói, chỉ khi có sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền, nghề trồng hoa Đà Lạt mới có “đường băng” để cất cánh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S khẳng định, phải thay đổi từ chiến lược đầu tư, kỹ thuật canh tác, đến tư duy của nhà nông và doanh nghiệp, để phát triển ngành hoa bền vững. Làm sao để thương hiệu “Hoa Đà Lạt” khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Cùng với việc khắc phục những hạn chế, tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai dự án “Hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải tạo môi trường đầu tư trong nông nghiệp”. Trong đó có hạng mục chiến lược là xây dựng Trung tâm giao dịch hoa, diện tích khoảng 10ha, ngay chân đèo Mimosa Đà Lạt; cùng với việc quy hoạch các vùng sản xuất hoa công nghệ cao, hy vọng sẽ tạo được “cú huých” cho ngành hoa và người trồng hoa Đà Lạt trên con đường chinh phục thị trường quốc tế.