Tạo cầu nối cho hàng Việt
Ngày 25/11, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2016, thu hút gần 1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia, với 369 hợp đồng hợp tác được ký kết ngay trong buổi sáng. Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố được bắt đầu từ năm 2012. Nếu như lần đầu tiên tổ chức kết nối với 15 tỉnh, thành phố có 198 DN tham gia và 48 hợp đồng được ký kết thì năm 2015 đã có 30 tỉnh, thành phố tham gia với 1.251 DN, ký kết 482 hợp đồng. Năm nay 2016, có 38 tỉnh, thành phố tham gia thu hút gần 1.000 DN, gồm 631 DN sản xuất, 10 ngân hàng, 313 DN tiêu thụ (trong đó có 308 DN tiêu thụ TPHCM).
Sở Công Thương TPHCM cho biết, tính từ khi chương trình hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa bắt đầu (năm 2012) đến hết chương trình năm 2015, đã có tổng cộng 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương; giao thương 2 chiều đạt 22.132 tỉ đồng. Trong đó, DN TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa trị giá 15.498 tỉ đồng của các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ (riêng DN tham gia chương trình bình ổn thị trường 13.652 tỉ đồng) và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố trị giá 6.634 tỉ đồng.
Tại lần kết nối này, ngay tại buổi sáng ngày 25/11, đã có tới gần 370 hợp đồng hợp tác ghi nhớ được ký kết giữa các DN sản xuất và phân phối, và con số này được dự đoán còn tăng cao hơn nữa khi kết thúc chương trình.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh được tổ chức từ năm 2012, đến nay qua 5 năm, nhận được sự hợp tác tích cực của UBND các tỉnh, thành và sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp.
Chương trình đã phát triển mạnh mẽ, hướng đến chuyên nghiệp trong việc kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa; đưa hàng hóa các tỉnh vào hệ thống phân phối TPHCM, đưa hàng hóa từ TPHCM đến các tỉnh, tìm nguồn đặc sản Tết, hàng bình ổn thị trường…
Qua kết nối giao thương, các hệ thống phân phối tiêu thụ tìm được nhiều nhà cung ứng uy tín, từ đó giải quyết đầu ra cho sản phẩm các vùng, miền. Từ hiệu quả của chương trình, nhiều DN, cơ sở, nông dân tìm được đầu ra ổn định. Nhiều đặc sản, sản phẩm thế mạnh của các tỉnh, thành phố, vùng, miền được vào hệ thống thương mại, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM và các địa phương. Nhiều DN không ngừng gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện hàng nhãn riêng cho các nhà phân phối lớn ở TPHCM như Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Công ty CP thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), Bánh Pía Tân Huê Viên (Sóc Trăng), Công ty TNHH Đông Á Kẹo dừa (Bến Tre), Hợp tác xã rau Anh Đào…
Anh Nguyễn Ngọc Minh, chủ Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Thúy đến từ tỉnh Lâm Đồng cho biết, các loại rau, củ quả của cơ sở anh đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ tham gia Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa qua các năm mà hợp tác xã của anh đã ký kết được nhiều đơn hàng lớn với các cơ sở phân phối rau, củ quả sạch tại TPHCM. Hiện nay, mỗi năm Hợp tác xã Minh Thúy sản xuất được khoảng 1.000 tấn rau, của quả, đầu ra ổn định, doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm. Anh Minh cho biết, tham gia hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2016 với mong muốn tiếp tục tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó có kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất.