Tạo vị thế cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Nhằm kịp thời phát hiện, tôn vinh các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có tính văn hóa, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường, mới đây UBND tỉnh đã quyết định công nhận 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2016.

Trong số 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, có 3 sản phẩm thổ cẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh, tổ nhân dân Tân Thịnh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên); 5 sản phẩm chè gồm: Chè xanh làng Bát của gia đình ông Phạm Văn Luận, xã Tân Thành (Hàm Yên); chè xanh đặc sản Tân Thái 168 của HTX Tân Thái, xã Tân Thành (Hàm Yên); chè xanh Ngọc Thúy của gia đình ông Nguyễn Công Sử, xã Phú Lâm (Yên Sơn); chè xanh đặc sản Bát Tiên Mỹ Bằng của HTX Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng (Yên Sơn); chè xanh Trung Long của HTX Ngân Sơn – Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); sản phẩm đường kính trắng của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương; Rượu chuối Kim Bình của HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa); Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát của ông Đào Duy Tiến, xã Cấp Tiến (Sơn Dương); sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH MTV Tuấn Hưng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương).

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, nhiều sản phẩm mới đã khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng đón nhận, tiêu biểu như sản phẩm tinh bột nghệ Tiến Phát. Ông Đào Duy Tiến, thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến (Sơn Dương), chủ cơ sở chế biến tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát cho biết, đây là niềm vui và vinh dự đối với ông, vì sản phẩm này mới ra mắt thị trường. Đây là động lực để ông tiếp tục đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất, chinh phục thị trường ngoài tỉnh và các siêu thị, đại lý lớn trong cả nước. 

Sản phẩm chè xanh đặc sản Bát Tiên của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng (Yên Sơn) cũng là một trong những sản phẩm được vinh danh lần này.  Theo anh Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng, xác định việc phát triển cây chè bền vững cần phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng và thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Mỹ Bằng đã tuyên truyền tới người dân mở rộng vùng trồng chè Bát Tiên, thực hiện sản xuất chè an toàn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến chế biến thành phẩm. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) công nhận nhãn hiệu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè để từ đó nâng cao thu nhập của các bà con xã viên làm chè. Thành công hơn nữa, cuối năm 2015 sản phẩm chè Bát Tiên đã xuất khẩu sang Nhật Bản, giá mỗi kg chè bán được vào khoảng 520 nghìn đồng. Anh Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mỹ Bằng cho biết, Hợp tác xã rất vinh dự khi sản phẩm của đơn vị được công nhận danh hiệu sản phẩm công nghiệp tiêu biểu. Từ đây Hợp tác xã đã có thêm nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi khi tham gia hội chợ, triển lãm, tiến tới chinh phục và tạo chỗ đứng tại các siêu thị lớn khu vực phía Bắc. 

Cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, tổ nhân dân Tân Thịnh, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) có 3 sản phẩm được công nhận, gồm: Khăn thổ cẩm dân tộc các loại, vỏ gối thổ cẩm, túi ví thổ cẩm. Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở chia sẻ, các sản phẩm được bình chọn là động lực để anh chinh phục thị trường mới, là thị trường sản phẩm lưu niệm du lịch. 

Chung niềm vui, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khẳng định, danh hiệu này là niềm tự hào, động viên lớn với tập thể cán bộ, người lao động, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển hơn trong thời gian tới. Đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tích cực quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người lao động, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm công tác xã hội, từ thiện. 

Theo bà Ứng Thu Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần đầu tiên được UBND tỉnh tổ chức bình chọn đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu sản phẩm. Đó là các cơ sở, doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; quảng bá giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ kinh phí đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, mở các lớp dạy nghề, tập huấn kiến thức giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã trở thành thương hiệu chung của tỉnh nên sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về nhiều mặt. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là bản thân các chủ sở hữu cần chủ động xây dựng chương trình cụ thể về đầu tư, khai thác thị trường để phát huy lợi ích của chính sách, nguồn vốn hỗ trợ.

Bình luận của bạn