Tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ hội cho hàng Việt
Gần 1.000 doanh nghiệp thuộc 38 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia kết nối cung-cầu hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh; ký kết gần 400 hợp đồng, dự án cung cấp, tiêu thụ sản phẩm nội địa. Đây là con số ấn tượng mở ra nhiều triển vọng cho doanh nghiệp, nông trại, đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, nhất là dịp lễ, Tết.
Cơ hội quảng bá sản phẩm
Triển lãm hàng hóa thương mại trong hội nghị xúc tiến cung-cầu do TP Hồ Chí Minh tổ chức đã trở thành điểm hội tụ và là không gian lý tưởng cho các nhà sản xuất, phân phối gặp nhau. Với 350 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại triển lãm, các doanh nghiệp (DN), trang trại, hợp tác xã sản xuất thương mại của 38 tỉnh, thành phố mang đến nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, đặc trưng vùng miền để quảng bá, chào hàng.
Tại một gian trưng bày hải sản, nông sản địa phương, chị Nguyễn Ái Huệ, Giám đốc Công ty TNHH TM Gia Bảo (tỉnh Phú Yên) say sưa giới thiệu sản phẩm gạo đỏ Ngọc Tuyền, tôm chua bà Phụng, mắm cá cơm- những đặc sản của vùng quê Phú Yên cho đông đảo khách tham quan. Các sản phẩm này gần như chưa được bán rộng rãi ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chị Huệ cho biết: “Tham gia kết nối cung-cầu, các DN vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường để chào hàng và tìm hiểu nhu cầu thực sự của người tiêu dùng; đồng thời chúng tôi tự đánh giá được sản phẩm của mình đang đứng ở đâu và có thể hợp tác với ai để phát triển”.
Cùng với những thương hiệu nổi tiếng như: Bánh pía Sóc Trăng, nước mắm Phú Quốc, yến sào Nha Trang, bưởi Tân Triều…, một số sản phẩm mới cũng được các DN trưng bày để giới thiệu với người tiêu dùng và các DN bạn, như tương Nam Đàn, nấm linh chi Bà Rịa… Tại vị trí trung tâm của khu triển lãm có một gian hàng của DN miền Bắc với nhiều đặc sản núi rừng, nổi bật là mật ong rừng, mây tre đan, nước khoáng Kim Bôi, dệt Thổ Cẩm. Đó là gian hàng của Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình). Sự mới lạ, hấp dẫn của những sản phẩm vùng Tây Bắc thu hút đông đảo khách tham quan. Ngay tại triển lãm, Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi đã ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm với một số DN tại TP Hồ Chí Minh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vùng Tây Bắc nước ta phần lớn là người Thái, người Mường với nhiều sản phẩm nổi tiếng nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Các sản phẩm mới chỉ tiêu thụ tại chỗ và những địa phương lân cận. Năm nay, nhiều công ty ở vùng này được tham gia kết nối cung-cầu thương mại với các DN phía Nam, hy vọng sẽ đưa được sản phẩm vùng Tây Bắc đến với người tiêu dùng Nam Bộ thông qua kênh phân phối hiện đại và thị trường bán lẻ truyền thống. Đây cũng là một cách thiết thực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Có thể thấy, trên thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ, chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng; nhiều đặc sản miền Tây, miền Trung và miền Bắc đã có mặt trong siêu thị, chợ đầu mối lớn, như: Thanh long Bình Thuận, tỏi Lý Sơn, nho Ninh Thuận, vải thiều Lục Ngạn, sầu riêng Cái Mơn, rau xanh Lâm Đồng… Đó là nhờ chương trình kết nối cung-cầu đã tạo cơ hội để các DN quảng bá, tiếp thị sản phẩm đặc trưng tới tay người tiêu dùng, góp phần điều tiết, bình ổn thị trường, khắc phục tình trạng cháy hàng, đội giá trong dịp lễ, Tết.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Sau 5 năm triển khai chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa, với vai trò cầu nối, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã làm "bà đỡ" cho hàng ngàn DN, chứng kiến hơn 2.000 hợp đồng được ký kết; giao thương hai chiều giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác đạt doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng. Hiệu quả của chương trình kết nối cung-cầu đã giúp cho nhà sản xuất, người nông dân tìm được tiếng nói chung.
Câu chuyện mà ông Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Khởi Minh Thành Công (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ là một ví dụ về hiệu quả của kết nối cung-cầu hỗ trợ DN: Trước đây, một số sản phẩm của Công ty Khởi Minh Thành Công chưa đạt chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng do pha chế hóa chất tẩm ép chưa đạt chuẩn. Đang lúc khó khăn thì tại hội nghị kết nối cung-cầu năm 2014, thông qua những ý kiến trao đổi với các DN, công ty đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ướp giữ màu hoa sen tươi mới, tạo ra sản phẩm Bát Phương Liên, là loại hoa sen khô cắm trong bình, lọ thủy tinh, hay trong chiếc nón lá độc đáo được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, lợi nhuận của công ty tăng vọt, mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các hợp đồng kết nối cũng gặp không ít khó khăn. Con số 187 hợp đồng, dự án không thực hiện được, hoặc thực hiện không hiệu quả trong 5 năm qua cho thấy việc hỗ trợ kết nối, hình thành chuỗi sản xuất-phân phối đối với DN vừa và nhỏ, các nhà vườn, hộ gia đình sản xuất thủ công đang gặp vướng mắc nhất định. Chỉ ra nguyên nhân, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Do sản xuất thủ công, chưa bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, quy định mẫu mã, bao bì sản phẩm, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm… nên nhiều mặt hàng của bà con không vào được hệ thống phân phối hiện đại.
Hiện nay, DN vừa và nhỏ có số lượng hàng hóa, bao bì sản phẩm, mẫu mã thiếu đa dạng, phong phú, sản phẩm mang tính thời vụ nên không duy trì được hợp đồng thường xuyên dẫn đến mất khách. Đó là chưa kể đến phương thức thanh toán, giao nhận, tỷ lệ chiết khấu quá cao, chênh lệch giữa hàng chợ truyền thống và hàng siêu thị…; rồi khi nhập hàng vào siêu thị phải tuân thủ những quy định ràng buộc nghiêm ngặt mà DN sản xuất thủ công khó đáp ứng. Đơn cử như quả chanh không hạt mới được sản xuất ở Long An, nhưng chủ yếu bán lẻ. Từ “hàng chợ” đi vào siêu thị là cả một quá trình nan giải. Trong khi đó, nhà vườn vừa thiếu vốn, kỹ thuật, vừa thiếu thị trường và cơ hội hợp tác nên khó phát triển.
Giải quyết những vướng mắc nêu trên cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngân hàng và DN. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Để đưa hàng hóa đạt chuẩn vào kênh phân phối hiện đại, các DN lớn cần chủ động đầu tư, hỗ trợ giống vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho DN nhỏ, trang trại, nhà vườn, hộ nông dân để họ yên tâm sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…; đồng thời tăng cường kiểm tra, áp dụng chuỗi thực phẩm an toàn, mở rộng mạng lưới phân phối tại các địa phương để thu mua sản phẩm tận gốc, cung cấp hàng hóa trực tiếp tới tay người mua. Như vậy mới bảo đảm lợi ích cho cả DN, nhà sản xuất và người tiêu dùng.