Thênh thang hàng Việt ra biển lớn

Vượt chặng đường dài sau hơn 5 năm đàm phán, quá trình đàm phán vừa kết thúc ở Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ đã mang tới nhiều hy vọng cho 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam về một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Ở đó, hàng hóa và dịch vụ sẽ tự do lưu thông mà không phải chịu thuế, hạn ngạch hay các hàng rào kỹ thuật...

Phá vỡ rào cản thương mại

Cuộc họp của 12 Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước thành viên tại Atlanta vừa khép lại bằng thông báo chính thức kết thúc đàm phán TPP - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. TPP gồm 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại.

Theo Bản tóm tắt hiệp định vừa được công bố, tại Chương Thương mại hàng hóa, với hàng công nghiệp, các thành viên TPP đã nhất trí xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Ngoài ra, 12 thành viên cũng nhất trí không áp dụng biện pháp hạn chế xuất nhập khẩu và các loại thuế không phù hợp với WTO, bao gồm cả đối với hàng tân trang. Điều khoản này sẽ thúc đẩy việc tái chế tất cả các bộ phận để chuyển thành các sản phẩm mới.

alt

Tương tự với nông nghiệp, các bên sẽ xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và chính sách mang tính hạn chế khác. Đồng thời, 12 nước sẽ thúc đẩy cải cách về mặt chính sách, bao gồm cả việc thông qua xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, hợp tác trong WTO để xây dựng các quy định về tín dụng xuất khẩu và giới hạn khoảng thời gian cho phép áp dụng các hạn chế đối với xuất khẩu lương thực. Đặc biệt, TPP đã đưa ra quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ chính phủ hoặc chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản.

Các cam kết về hàng hóa sẽ được thực hiện ngay lập tức, trừ lộ trình riêng đối với một số sản phẩm. Điển hình là việc TPP đã đạt được thỏa thuận về dược phẩm bao gồm hai cơ chế. Thứ nhất, thời gian bảo hộ tối thiểu đối với thuốc công nghệ sinh học là 5 năm, trong đó các công ty dược phẩm được giữ độc quyền đối với dữ liệu lâm sàng dùng để sản xuất thuốc mới. Cơ chế thứ hai, các công ty dược được giữ độc quyền sản phẩm mới trong 8 năm ở một số quốc gia.

Dành hẳn một chương cho dệt may, TPP sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, các nước cũng đặt ra quy tắc xuất xứ cụ thể, yêu cầu phải sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP. Tương tự, với mặt hàng ô tô, để được miễn thuế, các sản phẩm phải đạt tỷ lệ 45% phụ tùng được sản xuất từ bên trong khu vực TPP.

“Cú huých” lớn cho hàng Việt

Như vậy, cánh cửa đàm phán đã đóng lại, một khu vực thị trường mới với hơn 800 triệu dân, đóng góp 40% GDP thế giới, chiếm 1/3 thương mại toàn cầu sẽ mở ra cho hàng hóa các nước thành viên nói chung và cho hàng hóa Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Cụ thể: TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0%. Các ngành xuất khẩu quan trọng như: Dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia TPP, trong đó thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh. Điều này có thể làm cho một số doanh nghiệp như doanh nghiệp dựa vào sự bao cấp của nhà nước, công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên tác động này chỉ có tính chất cục bộ, quy mô không đáng kể, mang tính ngắn hạn.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn