Thị trường Ấn Độ giàu tiềm năng cho ĐBSCL tiêu thụ nông sản

“Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần tăng cường quan hệ, hợp tác với Ấn Độ để sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất nhập khẩu”, đây là nội dung chính đặt ra tại Hội thảo hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và vùng ĐBSCL diễn ra tại tỉnh Tiền Giang ngày 28/11. Hội thảo do UBND tỉnh Tiền Giang và Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu rõ, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống, gắn bó hiệu quả trong hơn 45 năm qua. Hai nước cũng đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược. Nền nông nghiệp của Ấn Độ và Việt Nam (nói chung) và vùng ĐBSCL (nói riêng) có những nét tương đồng, có điều kiện thuận lợi để hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hội thảo hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và vùng ĐBSCL

Với diện tích đất và dân số 1,2 tỷ  người, đứng hàng thứ hai trên thế giới, Ấn Độ có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp và là thị trường tiêu thụ rất lớn nông sản vùng ĐBSCL.  

Thời gian qua, Ấn Độ đã tích cực tiêu thụ nhiều sản phẩm của Việt Nam như trái cây, thủy sản, hồ tiêu…đạt giá trị xuất khẩu cao. Ngược lại, Ấn Độ cũng xuất khẩu sang nước ta nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt trâu, hạt giống, mè, ngũ cốc…

Ấn Độ còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia nông nghiệp giỏi. Ở Viện lúa IRI, Viện Cây ăn quả miền Nam có hàng chục cán bộ, chuyên gia nông nghiệp trình độ cao đều được đào tạo từ Ấn Độ… Với khả năng  cung cấp 42% giá trị nông, lâm, thủy sản của cả nước, hơn 300.000 ha vườn cây ăn quả và trên 3,6 triệu tấn thủy sản/năm, vùng ĐBSCL có điều kiện tốt để hợp tác với Ấn Độ.

Tại hội thảo các đại biểu vùng ĐBSCL và phía Ấn Độ còn chia sẻ những vấn đề đặt ra trong sản xuất nông sản hàng hóa, nêu ra những thế mạnh, mặt hạn chế của mỗi bên để sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn mong muốn Ấn Độ quan tâm đầu tư, hỗ trợ về các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như lai tạo giống, ứng dụng công nghệ sinh học, chế biến sau thu hoạch.

“Hội thảo sẽ là diễn đàn kết nối các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ với các cơ quan, doanh nghiệp vùng ĐBSCL và TP HCM trong nhiều lĩnh vực và đậm nét nhất là nông nghiệp và thủy sản. Diễn đàn này cũng tạo điều kiện giúp cho các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu rõ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới giao thông, cảng biển, viễn thông… chế độ chính sách, các dự án kêu gọi đầu tư của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”, ông Hưởng nêu rõ./.

Bình luận của bạn