Thị trường Châu Phi, Trung Đông chuộng hàng Việt tầm trung
Đó là nhận định của bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương tại hội thảo Giới thiệu thị trường Trung Đông và Châu Phi: Cơ hội giao thương và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa được tổ chức sáng nay (21/11) tại Hà Nội.
Đồng tình với bà Phương, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi cũng cho rằng thị trường Châu Phi và Trung Đông rất chuộng hàng Việt có mức giá rẻ. "Một số quốc gia tại đây đặt vấn đề giá cả rẻ lên trên vấn đề chất lượng hàng hóa", ông Hoàn nói.
Cụ thể, bà Phương cho biết, mặc dù châu Phi có nền kinh tế kém phát triển nhưng lại là thị trường đầy tiềm năng cho Việt Nam khi các nước trong khu vực này không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp và thậm chí Algeria phải nhập khẩu 100% gạo, UAE phải nhập khẩu 80% lương thực.
Bên cạnh đó, các quốc gia châu Phi còn nhập khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm các mặt hàng điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê,... của Việt Nam.
Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại với tất cả 55 nước trong khu vực Châu Phi. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC). Năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của Châu Phi từ thế giới ước đạt gần 460 tỷ USD, mà Việt Nam mới chỉ xuất khẩu gần 2,8 tỷ USD, chiếm 0,6% trên tổng nhu cầu nhập khẩu của Châu Phi. Do đó, DN Việt còn rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực thị trường này, bà Phương cho hay.
Hơn nữa, các nước Châu Phi đang được hưởng ưu đãi từ Mỹ, EU và các nước phát triển khác. Khu vực này cũng đang dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát với vật giá trong nước,...
Giống như thị trường Châu Phi, thị trường Trung Đông cũng có nhiều “mời gọi” với các DN Việt muốn xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này.
Ông Lý Quốc Thịnh, đại diện Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Bộ Công Thương cho biết phần lớn các nước Trung Đông không có lợi thế về nông sản nên đây là một ưu thế lớn với các DN Việt Nam.
Cụ thể, các nước GCC và UAE phải nhập khẩu 80% lương thực, thực phẩm nói chung để đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa, khách du lịch và dân nhập cư.
Bên cạnh đó, những mặt hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, nội thất cũng là các mặt hàng Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều sang các nước khu vực Trung Đông, ông Thịnh cho biết.
“Đáng nói, tại khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền nông sản phát triển và có thể xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, đất nước này không thể trồng nhưng lại rất yêu thích hoa quả nhiệt đới và loại này thường có giá cao gấp 5 lần so với giá bán ở nước ta nên đây cũng là một thị trường rất tiềm năng”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên, thị trường Châu Phi và Trung Đông cũng có một số thách thức như tình hình anh ninh, chính trị còn bất ổn, đặc biệt còn có nhiều trường hợp lừa đảo thương mại.
Ví như đại diện Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị cho biết, đang có đối tác bên Nam Phi lập tức đặt mua tới 52 container hàng hóa/năm của công ty này dù chưa hề xem hàng mẫu.
Bên cạnh đó, rủi ro trong phương thức thanh toán do nhiều nhà nhập khẩu Trung Đông không có thói quen mở thư tín dụng (L/C) và thích chuyển tiền mặt, thích nhìn hàng tận mắt hơn.
Về khía cạnh này, bà Phương khuyên DN Việt nên đến tận nơi giao dịch thương mại thì sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Thêm nữa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi cũng nhận định rằng, trong một thời gian dài, DN xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản,... mà gần như bỏ quên thị trường Châu Phi và Trung Đông, trong khi đó, đây lại là thị trường có sức mua lớn, lại tương đối dễ tính, nên phù hợp với khả năng của DN Việt Nam. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống gần như bão hòa, sức tiêu thụ giảm, thì việc tăng cường khai thác hai thị trường này là một hướng đi chiến lược và có ý nghĩa quan trọng về lâu dài.