Thị trường gạo Việt Nam đang mất dần

Giá thức ăn chăn nuôi cao kéo theo giá sản phẩm chăn nuôi cao, khó cạnh tranh với nước ngoài.

Thị trường gạo Việt Nam đang mất dần

Ảnh minh họa.

Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội thay đổi để cạnh tranh với các đối thủ ngoại khi nước ta tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Các chuyên gia nhận định như trên tại diễn đàn chính sách nông nghiệp “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” do Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), Liên minh Nông nghiệp và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 8-9 tại TP.HCM.

Thua người vì mạnh ai nấy làm

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập, ngành chăn nuôi phải đổi mới toàn diện, trong đó có thức ăn chăn nuôi (TACN) bởi mặt hàng này chiếm đến 60%-70% giá thành sản phẩm ngành này. Nếu không hạ thấp giá thành thì ngành chăn nuôi khó cạnh tranh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng: “Giá thành TACN của Việt Nam vẫn cao hơn các nước có ngành chăn nuôi phát triển trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thái Lan quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn nhưng ở Việt Nam thì không ai quản lý. Lợi nhuận của các công ty TACN Việt theo tính toán của các chuyên gia lên đến 10%-15%. Đáng nói là các thông tin về chi phí giá thành của các doanh nghiệp (DN) hầu như không ai có thể tiếp cận và được công bố đúng. Việc quy định lợi nhuận cho các mặt hàng này nên làm” - ông Lịch đề nghị.

Các DN TACN Việt thì cho biết họ không thể tự định giá được mà bắt buộc phải dựa theo giá của các công ty FDI để điều chỉnh giá nhằm thu lợi nhuận. Điều này khiến giá TACN cao.

Hạt gạo Việt Nam cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), cho hay thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc. Các thị trường truyền thống, lợi thế trước đây bị đánh mất vào tay các nước xuất khẩu khác. Trong khi đó, Thái Lan đa dạng hóa thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng nên có thế mạnh riêng ở mỗi thị trường từ khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu, Trung Quốc đến cấp thấp như châu Phi.

“Tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao khó khăn. Không hình thành được các thương hiệu gạo cho Việt Nam. Giá gạo trong nước phụ thuộc vào giá gạo xuất khẩu. Các DN mạnh ai nấy làm, tranh mua tranh bán tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu ép giá khiến giá gạo Việt Nam có thời điểm ở mức thấp nhất thế giới. Đó cũng là tình trạng chung của các DN xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” - ông Thành nêu thực trạng.

Nhập thức ăn chăn nuôi phải trình bộ trưởng

Liên minh Các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) cho hay cánh gà, móng heo, ba rọi, xương heo… là những sản phẩm của các nhà xuất khẩu thịt từ châu Âu đang được ưa chuộng nhất tại Việt Nam. Lượng xuất khẩu những mặt hàng này vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây.

Để sản phẩm chăn nuôi Việt cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho rằng cần có cơ chế tín dụng ưu đãi thật sự cho nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng vì lãi suất nông nghiệp dù đang ở mức 7% nhưng so với các nước trong khu vực vẫn cao (Trung Quốc 5%, Thái Lan chỉ 3%). Đồng thời nâng cao hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.

Một vấn đề khác là thủ tục hành chính còn rườm rà. Một số công ty TACN cho biết để nhập được một tấn TACN phải thông qua Cục Chăn nuôi, rồi tới hội đồng kỹ thuật, xong trình lên bộ trưởng. Phải mất tận sáu tháng đến một năm DN mới lấy được giấy phép.

alt
 
Thịt ngoại nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều.

“Nếu giảm được thủ tục, có cơ chế ưu đãi nông nghiệp bằng cách học hỏi các nước trong khu vực (chứ đừng đi học hình thức) thì chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh” - một đại biểu tự tin nói.

Với ngành lúa gạo, trao đổi với chúng tôi, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong ngành nông nghiệp, so sánh ngay với Campuchia. Trong khi xuất khẩu gạo Việt giảm cả lượng lẫn giá trị, bế tắc thị trường thì xuất khẩu gạo của Campuchia tám tháng đầu năm 2015 lại tăng tới 50% so với cùng kỳ 2014. Gạo của Campuchia xuất mạnh sang Trung Quốc, Pháp và một số nước châu Âu.

Để quảng bá cho hạt gạo của mình, Campuchia đưa ra một chương trình chào hàng khắp nơi. Các hội chợ lúa gạo thế giới ở Thái Lan họ đều tham gia, Việt Nam thì vắng bóng. Họ không chỉ đưa mẫu gạo cho khách hàng xem, ăn thử mà còn đưa ra giá rồi ký hợp đồng ngay tại chỗ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện VERP, cho rằng để gạo Việt cạnh tranh được cần minh bạch thông tin thị trường xuất khẩu, bãi bỏ chính sách giá sàn xuất khẩu gạo, nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo.

“Đặc biệt hỗ trợ các DN liên kết với nông dân sản xuất các loại gạo đặc sản, không quy định điều kiện xuất khẩu. Định hướng lại các DN nhà nước tập trung điều phối và điều phối gạo dự trữ cho an ninh lương thực trong nước, giảm dần vai trò thương mại” - ông Thành nói.

Theo Báo Pháp Luật TPHCM

Bình luận của bạn