Thị trường Mỹ: Vận hội mới của da giày Việt
Năm ngoái, giá trị xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ đã tăng từ 1 tỉ USD lên gần 3,4 tỉ USD.
Từ chỗ chỉ xuất khẩu giày dép đơn thuần, năm 1996, Công ty Cổ phần Đầu Tư và Phát triển Việt Á Châu đã quyết định đầu tư máy móc sản xuất các loại nguyên phụ liệu như đế giày dép PU, TPR, vải giả da phủ PU hay da bò phủ PU chịu cường lực sau khi thấy được nhu cầu của các doanh nghiệp giày dép ngày càng lớn.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Việt Á Châu tiếp tục đầu tư thêm xưởng làm khuôn các loại, từ khuôn thép, khuôn nhôm, khuôn gỗ cho đến khuôn nhựa epoxy. Sau những đợt đầu tư mạnh, đế giày của Việt Á Châu đã được các doanh nghiệp giày dép tên tuổi trong nước như Đông Hưng, Biti’s, Công ty 32, Công ty 26 hay Công ty giày An Lạc sử dụng.
Thậm chí, sản phẩm Việt Á Châu còn xuất khẩu cho những đối tác lớn tại Mỹ. Gần đây, Công ty vừa tiếp tục đầu tư thêm máy móc sản xuất để đón đầu nhu cầu ngày càng tăng, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị tham gia các hiệp định tự do thương mại mới.
“Xu thế chung trong thời gian gần đây là cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp trong nước đều gia tăng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Ðây là một tín hiệu đáng mừng”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), cho hay.
Cơ hội từ thị trường Mỹ
Thực tế, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước cũng là một hướng đi quan trọng, cho phép doanh nghiệp giày dép Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ.
Năm ngoái, giá trị xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng từ 1 tỉ USD lên gần 3,4 tỉ USD, chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Châu Âu dù đang là thị trường lớn nhất về xuất khẩu da giày, nhưng hiện giá trị cũng chỉ nhỉnh hơn thị trường Mỹ khoảng 200 triệu USD.
Theo thống kê từ Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ (AAFA), trung bình mỗi người Mỹ (gồm nam giới, phụ nữ và trẻ em) dành 1.141 USD để mua 7,5 đôi giày trong năm 2013, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ðặc biệt, 98% tổng số giày được bán tại Mỹ hiện đều là những mặt hàng được nhập khẩu.
Ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ và phân phối giày dép của Hoa Kỳ (FDRA), cho biết tính đến tháng 11.2014, nhập khẩu giày dép Trung Quốc vào Mỹ giảm 4,4%; còn nhập khẩu giày dép Việt Nam lại tăng khoảng 16,5%.
Cũng theo thông tin từ FDRA, từ năm 2001 đến nay, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 21%/năm. Mức dự báo thị phần giày dép Việt Nam tại Mỹ sẽ đạt 12% vào năm 2018.
“Lợi thế khi xuất khẩu da giày sang Mỹ chính là mức lợi nhuận cao hơn”, bà Trương Thị Thuý Liên, Phó Giám đốc Công ty Liên Anh, chia sẻ. Theo bà, do các đơn hàng Mỹ lớn nên chi phí sản xuất thấp; trong khi đơn hàng châu Âu nhỏ lẻ chỉ khoảng vài ngàn đôi, chi phí sản xuất cao nên lợi nhuận thấp. Một yếu tố nữa là sau khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thuế xuất da giày vào thị trường Mỹ sẽ giảm về 0%.
Tuy nhiên, để vào được thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ. Nghĩa là các nguyên phụ liệu sản xuất giày phải được sản xuất từ các nước trong TPP, ASEAN và không được mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đây chính là điều kiện khó khăn, vì hiện có đến 50% lượng nguyên phụ liệu đang được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì thế, chủ động nguồn nguyên liệu là chiến lược mà nhiều công ty da giày Việt Nam đang thực hiện.
Nỗ lực của da giày Việt
Một số công ty lớn như Công ty giày Thái Bình hay Đông Hưng nhờ có nguồn lực tài chính lớn nên đã chủ động nội địa hóa nguồn nguyên liệu từ lâu. Theo Công ty giày Thái Bình, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu da thuộc là 30%, da tổng hợp là 40%, các loại phụ liệu ở mức xấp xỉ 45%. Còn Công ty giày Đông Hưng đã chủ động đến 90%.
Ðối với Công ty Liên Anh, sau thời gian dài phụ thuộc vào nguồn da nhập khẩu, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mua hẳn một nhà máy thuộc da ở Đồng Nai. “Chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ tốt để phục vụ cho các đơn hàng của Công ty”, bà Liên, Công ty Liên Anh, nói.
Trong khi đó, Công ty Việt Á Châu dù có sẵn nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, cũng đã chủ động đầu tư thêm dây chuyền sản xuất nguyên phụ liệu để đón đầu cơ hội.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Châu, cho rằng hiện trong nước đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu da giày, nhưng quan trọng là sản phẩm có đạt tiêu chuẩn của đối tác hay không. Theo ông, hiện có một số doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu da giày đã đầu tư công nghệ cao để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của hàng xuất khẩu. Hiện tại, trung bình Việt Á Châu cung cấp trên 1 triệu m2 sản phẩm/tháng. Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu thị trường.
Ở tầm vĩ mô, Lefaso có tham vọng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu da thuộc, da tổng hợp và đế giày vượt 50% vào năm 2020; và 70% vào năm 2025, thông qua việc đẩy mạnh các chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Năm 2014, ngành da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 12 tỉ USD, với thặng dư thương mại gần 7 tỉ USD. Năm nay, theo ông Thuấn (Lefaso), mức thặng dư thương mại sẽ sớm đạt 50%. Giá trị thặng dư cao cho thấy ngành da giày đã bắt đầu chủ động về nguyên phụ liệu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ðược biết, nguyên phụ liệu chiếm khoảng 55% trong giá thành sản phẩm da giày, 45% còn lại là công sản xuất của doanh nghiệp. “Khi sản xuất nguyên vật liệu trong nước đáp ứng được trên 50% nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu, thặng dư thương mại sẽ tăng lên. Đây chính là một lợi thế lớn cho doanh nghiệp da giày Việt Nam trong tương lai”, ông Thuấn chia sẻ.