Thị trường Tết Bính Thân: Sức mua tăng cao

Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, sức mua Tết Bính Thân 2016 cao hơn Tết Ất Mùi 2015, ước tăng từ 18%- 20% ở khu vực thành thị, từ 12%-15% ở khu vực nông thôn so với ngày bình thường.

Hệ thống siêu thị đã phát huy được vai trò chủ đạo trên thị trường với giá bán hàng hóa ổn định trước, trong và sau Tết.

Hàng Việt chiếm đến 80% thị phần

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, thời điểm từ ngày 6/2 đến ngày 14/2/2016 (tức từ ngày 28 tháng chạp năm Ất Mùi đến mùng 07 tháng giêng năm Bính Thân), tình hình thị trường cân đối cung cầu bảo đảm, giá cả ổn định. Cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và lưu thông hàng hóa, không địa phương nào xảy ra khan hiếm hàng hóa, gây “sốt” giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết.

Tết Bính Thân, người lao động được nghỉ dài ngày, nên nhu cầu mua sắm Tết dàn trải đều. Nhu cầu năm nay tăng dần đến ngày ông Công ông Táo (tức 23 tháng Chạp 2015 Âm lịch), từ đó đến Tết hoạt động mua sắm thực phẩm tươi sống, chế biến làm quà biếu và tiêu dùng những ngày Tết tăng lên.

Sức mua Tết Bính Thân 2016 cao hơn Tết Ất Mùi 2015, ước tăng từ 18%- 20% ở khu vực thành thị, từ 12%-15% ở khu vực nông thôn so với ngày bình thường. Sức mua tăng do các yếu tố: kinh tế 2015 tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp khả quan, lạm phát ở mức thấp nhất trong 13 năm qua, giá trị đồng Việt Nam được củng cố; giá xăng dầu trong nước giảm liên tục...  

Đáng chú ý, sức mua tăng, nhưng công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa, dịch vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhân dân đón Tết Bính thân 2016 đã được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá của Bộ Công thương, giá trị hàng hóa được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các địa phương chuẩn bị cho Tết Bính Thân 2016 ước đạt 230.000 tỷ đồng, tăng từ 10-15% so với Tết Ât Mùi 2015.

Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, nổi bật là các mặt hàng bia rượu, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, rau củ quả... với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hình thức bao bì, đóng gói phong phú ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếm lĩnh khoảng 75-80% thị phần.

Cầu dồi dào, không "sốt" giá

Cũng theo tổng hợp của Bộ Tài chính, hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua gần 8.600 chợ, hơn 750 siêu thị và  khoảng 150 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt... Đồng thời, một số địa phương hỗ trợ kinh phí vận chuyển để đưa hàng Tết, hàng Việt ra các huyện đảo, miền núi, vùng nông thôn...tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp dân cư tiếp cận nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và với giá cả phù hợp.

Đáng chú ý là hệ thống siêu thị đã phát huy được vai trò chủ đạo trên thị trường với giá bán hàng hóa ổn định trước, trong và sau Tết, phong cách phục vụ văn minh lịch sự, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... là những ưu điểm vượt trội mà các chợ truyền thống không thể có được, nhờ đó siêu thị đã thu hút một lượng đông đảo người dân mua sắm Tết.  

Để giảm bớt áp lực về cầu trong những ngày cận Tết và tâm lý tích trữ hàng hoá, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa đã mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày 29 Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày (đến 18 giờ) và mở cửa lại sớm sau Tết (mùng 3 Tết). Cá biệt tại TP.Hồ Chí Minh, một số cửa hàng tiện lợi mở cửa bán hàng tất cả các ngày trong Tết  với số lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đã có tác dụng bình ổn thị trường trong dịp Tết và trong những tháng đầu năm 2016.

Các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, khu công nghiệp chế xuất, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa kết hợp với cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết được các doanh nghiệp vận tải chủ động đáp ứng đầy đủ thông qua việc huy động tăng thêm đầu phương tiện, tăng chuyến, mở thêm tuyến đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong những giáp Tết của người dân, đồng thời một số đơn vị, tổ chức có kế hoạch tổ chức đưa đón công nhân, người lao động về quê đón Tết.

Các hàng hóa thiết yếu cho đời sống như điện, nước sạch sinh hoạt được các ngành chủ quản chỉ đạo cung cấp đầy đủ, ổn định; giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ đạo doanh nghiệp giảm 3 đợt từ đầu năm 2016 đến nay./. 

Bình luận của bạn