Thị trường UAE chuộng sản phẩm Việt Nam

Các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) nói chung và Dubai nói riêng được đánh giá là một trong những thị trường trung chuyển quan trọng để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Thị trường các nước theo đạo Hồi có quy không nhỏ, ước đạt giá trị 2.000 - 3.000 tỷ USD/năm. UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới.

Thị trường khu vực này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCCI-HCM) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần và trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam vào UAE tăng trưởng thấp (chưa đến 1%) và nhập khẩu cũng suy giảm.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Á Phi (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà đầu tư UAE rất chú trọng phát triển các ngành năng lượng tái tạo. Theo đó, các doanh nghiệp UAE vào Việt Nam từ năm 2016 nhưng trên thực tế chỉ quan sát và nghiên cứu vẫn chưa ra quyết định "rót" tiền vào triển khai. Theo đại diện của Dubai – UAE, trước mắt, lĩnh vực mà họ ưu tiên khi đầu tư vào Việt Nam là bất động sản, hạ tầng logistics, công nghiệp dầu khí, hệ thống cảng phục vụ...

Tại Diễn đàn giao lưu thương mại Việt Nam - Dubai, UAE năm 2018 diễn ra mới đây ở TP HCM, ông Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports cho biết, năm 2017, có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai. Điều đó cho thấy thị trường UAE rất chuộng sản phẩm Việt Nam. Nhu cầu thu hút các công ty Việt Nam đến Dubai đầu tư là rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Văn phòng chứng nhận Halal nhận định, thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal.

Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021, trong đó 2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống.

Theo ông Ashraf A.Mahate, Dubai có hệ thống thuế quan thấp nhất thế giới và miễn hoàn toàn thế thu nhập doanh nghiệp. Từ Dubai, có thể kết nối với thị trường trên 3 tỷ dân chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ, đảm bảo việc giao hàng trong ngày.

 

Bình luận của bạn