Thị trường xe điện: Hàng Việt chiếm ưu thế
Hiện tượng xe điện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhập lậu đã giảm nhanh chóng, thay vào đó là cơ hội cho các sản phẩm chính hãng.
Trái ngược hoàn toàn với thời điểm xe điện “bùng nổ” tại Việt Nam, bị chiếm lĩnh bởi đa số hàng nhập khẩu, hiện nay phần lớn các dòng xe và mẫu mã bày bán, tiêu thụ trên thị trường đều được sản xuất, lắp ráp phân phối từ các doanh nghiệp trong nước.
Những năm gần đây, xe điện đã trở thành phương tiện đi lại quen thuộc và phổ biến đối với người dân vì những tính năng khá tiện lợi, nhỏ gọn, dễ sử dụng, không gây tiếng ồn. Tuy nhiên, do mức độ phát triển quá nhanh đã khiến thị trường xe điện xuất hiện không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập khẩu không chính ngạch về Việt Nam.
Thời điểm hiện tại, cục diện thị trường xe điện Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, phần lớn các loại xe điện được bày bán và tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu do các công ty cơ sở sản xuất tại Việt Nam lắp ráp và kinh doanh, phân phối.
Theo anh Hoàng Nam - quản lý của cửa hàng xe điện uy tín trên đường Hoàng Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), 90% xe đạp, xe máy điện được kinh doanh tại cửa hàng đều có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, được các công ty Việt Nam sản xuất hoặc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp hoàn thiện trong nước. Một số thương hiệu được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh nhất như: Anbico, Dkbike, Ambike, Hkbike, Hitasa… Ngoài ra cũng có thêm một số dòng xe nhập khẩu chính hãng từ Thái Lan, Trung Quốc…, nhưng không được quá nhiều người chọn lựa do giá thành xe Việt vẫn phù hợp hơn cả.
Đồng quan điểm, đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Công nghệ Việt Thanh (hệ thống Tapdoanxedien.com) cho rằng, các loại xe điện được bày bán tiêu thụ hiện nay hầu hết được sản xuất trong nước, có giấy tờ đăng ký, kiểm tra kiểm soát chất lượng đầy đủ. Giá thành dao động khoảng từ 8 - 13 triệu đồng/xe đạp điện, xe máy điện có giá từ 12 – 17 triệu đồng/xe.
Một trong những nguyên nhân chính của sự thay đổi cục diện nghiêng về hàng nội là do chính sách quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc bắt buộc phải đăng ký xe đạp, xe máy điện. Việc đăng ký xe yêu cầu phải có giấy tờ, bao gồm: Chứng từ mua bán xe máy điện, hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật của xe máy điện… Chính vì thế, các cơ sở kinh doanh và người dân đều phải chấp hành nghiêm túc.
Thêm vào đó, sau một thời gian dài thử nghiệm, người tiêu dùng đã có những kinh nghiệm mua và sử dụng xe nhất định. Người dân sẽ chọn lựa các mẫu xe có thương hiệu, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, đảm bảo chất lượng của các bộ phận từ khung xe, vỏ xe, động cơ, chế độ bảo hành… Vì thế, “các loại xe được sản xuất tại Việt Nam đang là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước” - anh Nam khẳng định.