Thị trường 1/6: Đồ chơi Việt đánh bật hàng Trung Quốc?

Càng gần ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, thị trường đồ chơi càng sôi động hơn. Đồ chơi nội, nhất là những dòng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ an toàn được phụ huynh tin tưởng chọn mua nhiều.

Hết thời hàng Trung Quốc

Theo quan sát của phóng viên Điện tử Tổ Quốc, trên phố đồ chơi Lương Văn Can, hàng Trung Quốc vẫn đa dạng, bắt mắt nhưng đồ chơi “made in Vietnam” cũng đã chiếm số lượng nhiều hơn trước đây. Ngoài một số loại đồ chơi truyền thống như: trống, mặt nạ…thì đã xuất hiện con quay Tosy, đĩa bay Tosy, đồ chơi xếp hình, thú bông, bảng chữ cái…

Tại một cửa hàng bán đồ chơi lớn trên phố Bà Triệu (Hà Nội), nhiều đồ chơi “made in Vietnam” được bày bán như: mô hình bằng gỗ, bộ xếp hình bằng nhựa… Giá mỗi sản phẩm từ 45.000 đến trên một triệu đồng, tùy theo chất lượng và kích cỡ. Những loại đồ chơi: Winwin Toy, Edugame, đồ gỗ Etic, con quay, đĩa bay Tosy... được bày bán phổ biến, gồm cả nhiều loại đồ chơi được phát triển từ các trò chơi dân gian như cờ người, ô ăn quan...

"So với đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi “made in Vietnam” có nhãn mác công ty rõ ràng, nhiều loại còn được chứng nhận an toàn và đạt chuẩn của Mỹ, Australia, Nhật trước khi xuất ra thị trường. Nguyên liệu sản xuất đồ chơi Việt Nam cũng an toàn hơn, hầu hết sản xuất bằng gỗ thịt, hoặc gỗ cao su, chất tẩy trắng không nhiều nên giảm độ độc hại. Thêm vào đó, nước sơn in trên sản phẩm cũng được nhà sản xuất cam kết an toàn với trẻ nhỏ. Vừa học vừa chơi rất thiết thực", chị Hằng - chủ cửa hàng cho hay.

Hầu hết đồ chơi trẻ em “made in Vietnam” đều bằng gỗ, mang tính giáo dục sáng tạo và có giá bán khá cao. Tại một cửa hàng trong Trung tâm thương mại khu đô thị Times City, một bộ xếp hình sản xuất tại Việt Nam có giá từ 180.000-250.000 đồng. Có những mặt hàng gần 400.000 đồng, trong khi đồ chơi Trung Quốc có giá khá thấp, thậm chí vài chục nghìn đồng.

Dù đồ chơi nội địa mới chỉ xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây nhưng sức lan tỏa khá nhanh. Trên các tuyến phố của Thủ đô như: Bà Triệu, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Thái Thịnh…số lượng các cửa hàng chuyên đồ chơi “made in Vietnam”  và nhập ngoại ngày càng tăng.

Chị Hường, chủ một hiệu đồ chơi trên phố Thái Thịnh cho biết: “Nhu cầu lựa chọn đồ chơi nội địa và nhập từ Thái Lan, Đức, Nhật Bản…ngày càng nhiều. Dù vẫn còn vài ngày nữa mới đến dịp Tết Thiếu nhi nhưng cửa hàng của chị cũng đã rất đông khách. Lượng hàng bán ra gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái, trong đó hàng Việt Nam chiếm đa số.”.

alt

Hàng Trung Quốc vẫn đa dạng, bắt mắt nhưng đồ chơi “made in Vietnam” cũng đã chiếm số lượng nhiều hơn trước đây

 “An toàn là trên hết”

Ý thức được đồ chơi Trung Quốc mẫu mã đẹp, rẻ nhưng độc hại, hiện nhiều phụ huynh đã chuyển sang mua đồ chơi nội cho con em mình.

Chị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, “Mọi năm, tôi thường mua những đồ chơi giá cả vừa phải cho các con vì tôi quan niệm trẻ nhỏ chỉ chơi một thời gian là chán. Nhưng khi nghe được thông tin về đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc có sử dụng chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi chuyển hẳn sang mua hàng trong nước. Giá cả có cao thật, nhưng an toàn lại vừa có tính giáo dục cao”.

Mặc dù đồ chơi nội địa đã được người tiêu dùng trong nước tin tưởng, song để phát triển và đánh bật được đồ chơi Trung Quốc thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Thực tế, thị trường đồ chơi Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở phân khúc đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi với các sản phẩm đồ chơi quen thuộc và đơn điệu như: ghế ngồi lắc lư, bàn nhạc, xếp hình, câu cá, xếp chữ...

Chị Lan Anh – một phụ huynh trường Tiểu học Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, để an toàn chị thường chọn cho con đồ chơi làm từ gỗ chế tạo trong nước. Tuy nhiên, đồ chơi Việt Nam không có mẫu mã và màu sắc bắt mắt như đồ chơi Trung Quốc, lại là đồ chơi mang tính giáo dục nhiều hơn nên trẻ con thường không chơi được lâu và cần phải có sự trợ giúp của bố mẹ. Vì thế, bố mẹ cũng phải dành nhiều thời gian chơi với các con thì mới được lâu bền”.

Cũng theo chị Lan Anh, vào các ngày Noel, Tết, Trung thu…hay tổng kết cuối năm học các lớp cấp 1, cấp 2 thường tổ chức tặng quà cho học sinh. Là trưởng Ban phụ huynh của lớp nên chị thường chịu trách nhiệm khâu mua quà.

“Tôi luôn lựa chọn hàng Việt Nam và tránh xa hàng Trung Quốc. Đây cũng là xu hướng chung phụ huynh thời nay khi mua quà cho các con”, chị Lan Anh cho biết thêm.

Ông Văn Đức Bảy, Phó giám đốc doanh nghiệp Nhựa Chợ Lớn cho biết, hiện Nhựa Chợ Lớn đã đưa ra thị trường khoảng hơn 800 mẫu mã đồ chơi trẻ em.

Tuy nhiên, giá đồ chơi “made in Vietnam” còn khá cao do phụ thuộc giá nguyên vật liệu đầu vào. Các mẫu mã cũng được thiết kế cầu kỳ, đảm bảo an toàn, không có cạnh góc nhọn, phù hợp với từng độ tuổi.

Dù vậy, điều đáng mừng là thị trường đồ chơi trẻ em hiện tại không còn cạnh tranh bằng mẫu mã và giá cả nữa. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự an toàn, tránh xa những hoá chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ nhỏ và môi trường. Chính vì vậy, cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước phát triển, đánh bật đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền và độc hại là rất lớn.

Theo toquoc.gov.vn

 
Bình luận của bạn