Thừa Thiên Huế: Từ ưu tiên đến tự hào dùng hàng Việt
Song song với các hoạt động quen thuộc như tổ chức hội chợ, đưa hàng Việt về nông thôn… thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), từ đó tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường.
Cụ thể, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp được Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) và Sở Công Thương tỉnh đặc biệt quan tâm và trở thành nội dung trọng tâm của các hoạt động hưởng ứng CVĐ. Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã vận động tổ chức đưa 11 chuyến hàng Việt về nông thôn kết hợp bán hàng bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; 7 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Mỗi phiên chợ có quy mô 22 đến 40 gian hàng và 100% hàng hóa là hàng Việt.
Nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trên địa bàn, tỉnh đã xây dựng thành công các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, các điểm bán hàng Việt Nam. Tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt, tạo động lực, điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, để tạo điều kiện tốt nhất cho DN kinh doanh, sản xuất, Sở Công Thương đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm nhiều rào cản gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và DN trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã rà soát nhằm giảm các thủ tục hành chính về lĩnh vực thương mại, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường; xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về giá cả, thị trường, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Tỉnh cũng luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, DN quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm địa phương đã ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếm lĩnh các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, các sản phẩm đặc sản như bánh, trà… của tỉnh luôn được du khách ưa chuộng và được kinh doanh ở nhiều kênh phân phối ở các địa phương khác.
Qua các hoạt động kể trên, người tiêu dùng đã dần nhận thức sâu sắc mục đích ý nghĩa CVĐ và từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là các vùng nông thôn, người dân đã quen dùng và ưa chuộng hàng chất lượng tốt sản xuất trong nước. Đến nay, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ lớn tại các kênh phân phối trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, lượng hàng hóa có nguồn gốc sử dụng trong nước và của các DN trên địa bàn lưu thông trên thị trường chiếm khoảng 60%, gồm các mặt hàng đặc sản Huế, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế, nông sản an toàn...
Thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới, vận dụng sáng tạo phương pháp triển khai CVĐ trên địa bàn tỉnh theo hướng thay đổi cách tiếp cận từ tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sang tự hào dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, vận động người sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với an toàn vệ sinh. Hỗ trợ tạo dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.