Thuốc nội được tin dùng
Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu cho việc phòng, chữa bệnh; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; số lượng người dân tin dùng thuốc Việt ngày càng tăng… là một số kết quả đạt được của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Tỷ lệ dùng thuốc nội tăng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Tất Đạt cho biết: Với nhiều giải pháp được triển khai và tiến hành đồng bộ từ trung ương đến địa phương, sau 4 năm (2013 - 2017) thực hiện Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam", tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều đã tăng hơn so với trước đây. Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỷ lệ tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%. Có những địa phương đã vượt mục tiêu Đề án khi tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như: Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.
Với nhiều cơ chế, chính sách được đưa ra, ngành dược đã có bước phát triển đáng kể. Sản xuất thuốc trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân; cung cấp 10/12 loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các nhà máy dược phẩm đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại; tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất nguyên liệu kháng sinh, vắc xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Nhờ vậy, chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại...
Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước
Để thuốc nội “chen chân” được vào các bệnh viện, cơ sở y tế và người dân tin dùng, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Đáng chú ý, năm 2014 - 2015, Bộ Y tế đã đẩy mạnh triển khai chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, triển khai hội thi tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”... Chương trình đã góp phần quan trọng, vận động, phổ biến sâu rộng để thầy thuốc và người dân thêm tin tưởng vào chất lượng thuốc Việt, qua đó ưu tiên lựa chọn sử dụng trong điều trị với chi phí hợp lý hơn thuốc ngoại.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, thuốc sử dụng tại bệnh viện, với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước và định hướng tập trung ưu tiên cho nhóm thuốc theo tên generic (thuốc chứa các hoạt chất đã được sử dụng suốt nhiều thập kỷ - những dược chất vốn đã được chứng minh về độ an toàn và hiệu lực điều trị), đặc biệt là nhóm thuốc sản xuất trong nước đạt các tiêu chuẩn theo quy định có giá hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và người bệnh ở địa phương.
Tuy nhiên, để nhận thức “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” lan rộng và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị trong ngành cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện đề án tại đơn vị. Điều quan trọng hơn cả, doanh nghiệp sản xuất trong nước phải bảo đảm hàng tốt, giá tốt, như vậy mới tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông cho cộng đồng, khuyến khích cán bộ y tế ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý trong kê đơn cũng như tư vấn thuốc cho người dân…