Thương hiệu dưa kiệu Phú Hiệp

Những năm qua, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đầu tư phát triển nghề trồng kiệu, tạo thêm việc làm và mang lại nguồn lợi kinh tế trên vùng đất nhiễm phèn.

Hằng năm, nông dân Tam Nông trồng khoảng 100 ha kiệu, tập trung chủ yếu ở các xã Phú Hiệp, Phú Đức và Phú Thành B. Kiệu đã gắn bó và là một trong những cây trồng giúp nông dân Tam Nông vượt khó, làm giàu.

Tuy nhiên, đầu ra của củ kiệu chưa ổn định, giá cả cũng bấp bênh. Năm mở rộng diện tích thì kiệu rớt giá; năm thu hẹp diện tích lại trúng giá...

Xuất phát từ thực tế trên, anh Trần Minh Tân - Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Phú Hiệp đã quyết tâm tìm hướng đi hiệu quả và bền vững cho cây kiệu Tam Nông, bằng việc xây dựng thương hiệu đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp để bán cho khách du lịch và người tiêu dùng ở các thành phố, bước đầu đạt được kết quả khả quan.

alt

Dự án làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng của anh Trần Minh Tân đã đạt giải ba tại cuộc thi Dự án Thanh niên khởi nghiệp năm 2015, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Để có được sản phẩm dưa kiệu ngon, thơm, chất lượng, bảo đảm ATVSTP và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách và người tiêu dùng, anh đã đề xuất và được UBND xã Phú Hiệp chấp thuận, ban hành quyết định thành lập Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu, với 4 thành viên, do anh Tân làm tổ trưởng.

Bước đầu, với trên 11.000m2 đất chuyên canh cây kiệu nguyên liệu, Tổ hợp tác đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 thanh niên ở địa phương. Sau đó, sẽ mở rộng thêm diện tích vùng nguyên liệu kiệu nếu thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Theo anh Trần Minh Tân, muốn trồng một công kiệu, phải đầu tư trên, dưới 25 triệu đồng để mua kiệu giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm nước tưới, cỏ, rơm khô phủ gốc kiệu và chi phí nhân công trồng kiệu...

Bên cạnh việc áp dụng đúng quy trình từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc và thu hoạch, Tổ hợp tác này còn nghiên cứu thực hiện thành công việc chế biến dưa kiệu đóng vào hộp nhựa và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nguyên liệu chính để chế biến dưa kiệu chủ yếu gồm: Củ kiệu do Tổ hợp tác trồng đảm bảo thời gian 6 tháng, củ nhỏ vừa phải, đồng đều, không nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu và đường cát trắng, ớt…

Củ kiệu sau thu hoạch được nhân công cắt tỉa, sơ chế, tẩm ướp gia vị rồi sắp xếp vào hộp nhựa hoàn chỉnh. Hộp dưa kiệu Phú Hiệp do Tổ hợp tác sản xuất có nhiều loại 300gram, 700gram…

Để tiêu thụ loại đặc sản này, Tổ hợp tác liên hệ với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, nhất là đưa đến quầy hàng đặc sản du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bán cho khách du lịch.

Giá cả loại đặc sản này cũng vừa với túi tiền người tiêu dùng, từ 40.000đ đến trên 100.000đ/hộp loại 300gram và 700.000gram.

Sản phẩm dưa kiệu Phú Hiệp chào hàng và đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp chấp nhận. Hiện Trung bình mỗi tháng, Tổ hợp tác làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng của anh Trần Minh Tân đã xuất bán ra thị trường trên 500 hộp dưa kiệu các loại.

Ngày 12 và 13/9/2015 mới đây, tại phiên chợ "hàng Việt và nông sản sạch” diễn ra trong khuôn khổ hội chợ du lịch quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm đặc sản dưa kiệu Phú Hiệp, huyện Tam Nông đã bán được gần 100 hộp cho du khách và người tiêu dùng.

Theo báo Nông Nghiệp

Bình luận của bạn