Thương hiệu Việt: Bứt phá & Bền vững
Hẳn các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể quên năm 2015, Brand Finance đã công bố những thông tin… buồn: Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam sụt giảm tới 18%, từ 172 tỷ USD năm 2014 xuống còn 139,5 tỷ USD năm 2015. Tổng giá trị Top 50 thương hiệu số 1 Việt Nam như Vinamilk, Viettel, Mobifone, FPT, Vietcombank, Thế Giới Di Động... mới bằng một nửa giá trị thương hiệu Petronas của Malaysia.
Giá trị thương hiệu nằm trong các yếu tố vô hình của doanh nghiệp. Đáng tiếc là tại Việt Nam, các yếu tố vô hình mới chỉ đóng góp 38% trong tổng giá trị doanh nghiệp, trong khi trên thế giới trung bình tới 53%. Chẳng hạn, với Vinamilk chỉ ở mức 23%, Vinacafe đạt 36%, Thép Hòa Phát chỉ đáng giá 5% trong giá trị doanh nghiệp…
Nhưng, sang năm 2016 - năm thứ 2 Việt Nam được đưa vào danh sách các nước được định giá thương hiệu bởi Brand Finance, do Brand Finance châu Á- Thái Bình Dương chịu trách nhiệm công bố- mọi sự đã thay đổi đến… bất ngờ.
Mới đây, theo công bố của Brand Finance, Top 50 thương hiệu Việt có tổng giá trị 7,26 tỷ USD, tăng trưởng trung bình của từng thương hiệu trong Top 50 là 20%, trong khi Singapore chỉ tăng 1%, ở Malaysia “âm” 6%, Indonesia “âm” 10%... Tổng giá trị thương hiệu của Top 50 thương hiệu Việt tăng 39% trong 1 năm, rất khả quan.
Góp mặt trong Top 50 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam là những cái tên quen thuộc như Vinamilk, Viettel Telecom, Mobifone, Vinhomes, FPT, Bảo Việt… Trong đó, Vinamilk tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với giá trị thương hiệu 1,01 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Viettel với 973 triệu USD, tăng 68%. Petrovietnam 564 triệu USD, đứng thứ 3. Mobifone 539 triệu USD, tăng tới 76%, đứng thứ 4...
Có 12 cái tên mới gia nhập danh sách Top 50 thương hiệu Việt như: Sabeco, Vietnam Airlines, Trường Hải, VinCommerce, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh… Riêng Hoàng Anh Gia Lai vẫn chỉ đứng thứ 16 với giá trị thương hiệu 101 triệu USD…
Đó là những thông tin khiến những ai quan tâm đến thương hiệu Việt không thể không tự hào bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của thương hiệu Việt trên thị trường khu vực, dù danh sách của Brand Finance chỉ là một trong nhiều “thước đo” giá trị thương hiệu, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, ông Samir Dixit - Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Brand Finance- khuyến nghị: “Quý vị đừng ngủ quên trên chiến thắng, vì 12 thương hiệu nằm trong Top 50 năm 2015 đã bị thay thế bởi các đối thủ mới rất mạnh, có thể khiến quý vị sẽ phải rời khỏi bảng xếp hạng”.
Luôn vượt qua chính mình mới có thể “thăng hoa” trên đỉnh cao thành công!