Tìm đầu ra cho nông sản ở vùng cao Quảng Bình
Nông dân xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thu hoạch lạc.
Được mùa, mất giá
Vùng gò đồi của tỉnh Quảng Bình tuy không rộng lớn, nhưng đủ cho hàng chục nghìn hộ dân nơi đây sản xuất thâm canh để tạo lập đời sống. Hiện, ở nhiều địa phương đã xuất hiện các vùng nguyên liệu như: Lạc, sắn và ớt. Tuy nhiên, hầu như năm nào nông sản ở vùng cao Quảng Bình đều rơi vào cảnh được mùa mất giá. Vụ thu hoạch cây trồng vụ đông xuân năm nay cũng không ngoại lệ.
Sau khi thu hoạch lạc đông xuân, các hộ gia đình ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa đều đầy ắp lạc, và điều khiến người dân quan tâm nhất vẫn là giá lạc. Hai thôn Đa Năng và Đa Thịnh có diện tích trồng lạc nhiều nhất của xã Hóa Hợp, với hơn 100 ha. Vùng đất Hung Ải bằng phẳng và màu mỡ cho nên thích hợp với cây lạc và ngô. Vụ đông xuân 2016-2017, người dân trồng lạc toàn bộ trên diện tích đất ở Hung Ải, do năm 2016 lạc được giá, lãi lớn. Nhưng vụ lạc năm nay thì ngược lại. Anh Đinh Văn Nhị, thôn Đa Năng cho biết, gia đình anh trồng hai mẫu lạc, với hai giống lạc chủ lực là MD7 và L23. Chi phí cho ruộng lạc hơn 20 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ mới đủ chi, do giá lạc xuống thấp, thu nhập của gia đình giảm 30 triệu đồng so với vụ lạc năm ngoái. Gia đình anh Nhị còn may mắn, nhiều hộ trồng lạc lỗ vài triệu đến cả 10 triệu đồng. Dù lạc được mùa song giá chỉ từ 14 đến 15 nghìn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với năm 2016.
Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp Nguyễn Thanh Quyết cho biết, thực hiện chủ trương của huyện về mở rộng vùng lạc nguyên liệu, xã vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và sử dụng giống mới. Toàn xã trồng được 156 ha, đạt 148,6% kế hoạch; năng suất đạt 26 tạ/ha, vượt kế hoạch đề ra; sản lượng đạt gần 410 tấn. Tuy nhiên, giá lạc năm nay giảm mạnh so với năm trước cho nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống của người dân. Do đó, xã mong muốn có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định, hợp lý để người dân yên tâm sản xuất.
Câu chuyện tương tự mới đây cũng xảy ra với cây ớt ở vùng đồi huyện Bố Trạch. Toàn huyện có gần 200 ha ớt, có thời điểm giá lên đến 45 nghìn đồng/kg, cho nên người dân dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Song, năm 2016, ớt rớt giá, người trồng ớt cay đắng khi sản phẩm không tiêu thụ được. Ông Hoàng Văn Mến, ở thôn Đông Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những người tiên phong trồng ớt cho biết, năm 2012, giá ớt chạm ngưỡng 45 nghìn đồng/kg; một sào ớt thu về khoảng 25 triệu đồng, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình ông và người dân trong xã. Tuy nhiên, giá ớt chính vụ 2017 giảm xuống còn 12 nghìn, thậm chí 10 nghìn đồng/kg, nhưng cũng rất khó bán. Những cánh đồng ớt trĩu quả giờ ế ẩm, nhiều hộ ngại thu hoạch hoặc thu hoạch xong phơi khô, xay bột mang ra chợ bán nhằm thu lại chút ít vốn liếng.
Liên kết người sản xuất với doanh nghiệp
Để giải quyết bài toán được mùa, mất giá, bên cạnh việc quy hoạch, phát triển các loại nông sản phù hợp nhu cầu của thị trường thì việc liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã được các địa phương trong tỉnh Quảng Bình chú trọng. Mô hình liên kết giữa người nông dân huyện Minh Hóa với Công ty TNHH Diến Hồng, có trụ sở tại đây, là một minh chứng sinh động cho cách làm này. Năm 2016, công ty lập dự án sản xuất dầu lạc mang thương hiệu Nông Việt từ sản phẩm cây lạc. Theo Giám đốc Công ty TNHH Diến Hồng Trần Văn Diến, để chủ động nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp tiến hành liên kết nông dân trồng lạc, cung cấp giống, phân bón hữu cơ và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Với mô hình liên kết này, bước đầu người trồng lạc ở một số nơi tại huyện Minh Hóa yên tâm về đầu ra của cây công nghiệp ngắn ngày này, nhất là vào mùa cao điểm thu hoạch lạc đông xuân hằng năm.
Hai năm vừa qua, Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) là “bà đỡ” mát tay cho việc xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, trong đó, có các sản phẩm ở vùng cao. Đến tháng 10/2017, dự án đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thành công tám chuỗi giá trị nông sản, gồm: Bò, gà, lúa, lạc, mật ong, mây tre đan, keo và ngô.
Theo lãnh đạo Dự án SRDP, đến nay, chuỗi giá trị ngô và bò được thực hiện hiệu quả ở các vùng khó khăn. Đối với cây ngô, thay vì trồng để lấy hạt như trước đây, căn cứ nhu cầu thị trường đã được trồng lấy thân làm thức ăn cho bò. Nếu trồng lấy hạt, một năm chỉ có hai vụ, còn trồng lấy thân có thể đạt bốn vụ, để cung cấp cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò trên địa bàn. Nhờ vậy, giá trị trên một đơn vị diện tích tăng gấp hai lần. Về chăn nuôi bò, thay vì trước đây, nuôi bò sinh sản, dự án xây dựng chuỗi theo hướng bò vỗ béo với chu trình ngắn. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, nông dân nhận bò của doanh nghiệp về chăm sóc, ba tháng sau doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm. Hiện, bà con ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình tỏ ra hào hứng với cách làm này.
Hiệu quả của xây dựng chuỗi giá trị đối với mặt hàng nông sản bước đầu mang lại hiệu quả tại Quảng Bình, nhưng rõ ràng đang phụ thuộc vào Dự án SRDP. Vấn đề là sau khi được dự án hỗ trợ, người nông dân phải tự kết nối, tạo chuỗi giá trị để bảo đảm đầu ra cho nông sản một cách bền vững, tránh tình trạng dự án kết thúc, mô hình “chết yểu” xảy ra khá phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi hiện nay.