Tìm hướng ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tay
Bình Dương có các làng nghề truyền thống nổi tiếng như sơn mài, điêu khắc, gốm sứ… trong đó những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tay (handicraft) từ các nguyên liệu tự nhiên như lục bình, mây, tre, lá được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây những sản phẩm này cũng gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu sản xuất tăng cao và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp...
Cạnh tranh gay gắt
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống đang hoạt động như làng gốm Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), làng làm heo đất Lái Thiêu (TX.Thuận An), làng sơn mài (TP.Thủ Dầu Một)… Các công đoạn thực hiện những sản phẩm này chủ yếu bằng tay, chỉ dùng máy để làm các công đoạn như phun sơn, keo, cắt, khoan… Trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở mới được thành lập, đã tạo nên sự cạnh tranh không chỉ tại thị trường nội địa mà còn cả thị trường quốc tế.
Ông Trần Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Quang Minh (phường Thới Hòa, TX.Bến Cát), cho biết giai đoạn 1994-2007 được coi là thời điểm đỉnh cao của hàng handicraft đan lát từ lục bình. Tuy nhiên, do có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này được thành lập nên sức cạnh tranh tăng cao. Công ty cũng phải liên tục tìm tòi, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, nguyên liệu… của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với ngành sơn mài, theo ông Lê Bá Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), hiện nay người tiêu dùng đã có nhiều sự chọn lựa những sản phẩm mỹ nghệ khác nhau để trang trí, sử dụng... Do đó, ngành sơn mài cũng phải cạnh tranh với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác như thêu, tranh sơn dầu, tranh cát… vì những sản phẩm này giá rẻ, mẫu mã đẹp.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất của DN như lương công nhân, giá nguyên liệu, chi phí vận tải… thời gian gần đây lại liên tục tăng, dẫn đến không ít khó khăn cho DN. “Do đặc điểm của handicraft chủ yếu làm bằng tay nên việc giữ chân những lao động có tay nghề cao rất khó. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu sản xuất cũng tăng cao, như trước đây 1kg lục bình sau sơ chế (phơi khô, cắt lá, rễ) giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng nhưng nay đã lên tới 16.000 - 18.000 đồng. Tuy vậy, giá bán thành phẩm không được tăng, nếu tăng thì khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các cơ sở trong nước và các nước khác”, ông Nam nói.
Cải tiến, đổi mới mẫu mã
Đến nay các hiệp định thương mại Việt Nam ký kết đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường mới. Đây là cơ hội để các DN, cơ sở sản xuất mặt hàng handicraft đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng với đó thị trường trong nước cũng cần được phát triển.
Ông Linh cho biết, để hoạt động ổn định, các cơ sở sản xuất sơn mài cần tập trung phát triển thị trường nội địa. Những mặt hàng các cơ sở cần quan tâm là sản phẩm lưu niệm, quà tặng… để cung cấp cho các điểm, khu du lịch trong nước và khách tham quan.
Một đặc tính của handicraft là thời gian sử dụng sản phẩm khá lâu, tuy nhiên thị hiếu của khách hàng lại luôn thay đổi. Ông Nam cho rằng nếu muốn tồn tại, các DN, cơ sở sản xuất phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm. Thời gian qua, các sản phẩm handicraft của Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu. Đây là những thị trường khó tính. Do đó, ngoài việc thay đổi mẫu mã, lựa chọn các nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, DN cũng cần có biện pháp tự bảo vệ mình về mặt sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng sao chép sản phẩm, dẫn đến tranh chấp, kiện tụng.