Tìm sự chính danh cho hàng Việt

Tết nguyên đán Bính Thân vừa qua, nhiều hàng hóa trong nước đã được người tiêu dùng chấp nhận và yêu thích.

Đặc biệt, với những công nghệ chế biến mới, nhiều hàng nông sản Việt Nam được chế biến thành những sản phẩm rất ngon, cạnh tranh với hàng ngoại. Tuy nhiên, sản phẩm hàng hóa Việt Nam này vẫn cần phải được chăm chút, xây dựng thương hiệu để có danh khi ra nước ngoài.

Hồng khô Đà Lạt cạnh tranh hồng Nhật và Hàn

Ngay trong những ngày trước tết, trên các phương tiện thông tin và các trang bán hàng trực tuyến, một mặt hàng được quảng bá và giao hàng tận nhà được nhiều người thích, đó là hồng khô. Người bán nói, đó là hồng Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, giá gần 800.000 đồng khoảng nửa kg.

Chị Minh Hương, một phụ nữ ở quận 3, cho biết thực tế nếu mua hồng Nhật Bản sẽ thấy mềm và ngọt hơn so với hồng của Hàn Quốc thường khô và nhạt. Thế nhưng, sau khi đưa thông tin khoe trên mạng facebook, chị Minh Hương được bạn bè chỉ chỗ mua hồng khô Đà Lạt có chất lượng tương tự, giá chỉ bằng một nửa. Chị kể, hồng Đà Lạt vốn trước đây thường bị chát nên chị không thích lắm, nhưng khi nghe nói chị cũng mua thử và chất lượng ngọt, mền dẻo, ngon gần như hồng Nhật Bản.

Theo thông tin từ bộ phận truyền thông của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, hồng khô Đà Lạt hiện nay được sản xuất theo công nghệ sấy gió của Nhật Bản, vì vậy chất lượng rất ngon và không bị chát. Quả hồng khô thành phẩm có màu nâu giống y như hồng khô Nhật hay Hàn Quốc, cầm không bị rịn tay, vị ngọt và mềm dẻo, rất ngon. 

Thực tế, trên các hộp sản phẩm nơi chị Minh Hương mua cũng ghi rõ, hồng khô công nghệ Nhật, đơn vị sản xuất là doanh nghiệp tư nhân chế biến nông sản Shinsang, nơi đóng gói là một doanh nghiệp đóng tại Tp.HCM.

Chẳng cần phải nói, chị Minh Hương và những người bạn khi ăn hồng khô Đà Lạt đã rất vui mừng thốt lên, thế là nông sản Việt Nam đã có thêm một lối ra. Trước đây, nhiều vườn hồng tại Đà Lạt đến mùa hồng chín bán không được, chỉ để chụp ảnh cho đẹp vì hồng bị chất, bán tươi không kịp nên hỏng. Với công nghệ chế biến này, hồng không được bảo quản và có thể bán được quanh năm, mang lại giá trị tăng cao.

Tuy nhiên, vì đã sử dụng hồng khô nhập khẩu của nước ngoài và hồng Đà Lạt, chị Minh Hương cho rằng, các sản phẩm ngoại giá cao gấp đôi vì được đầu tư mẫu mã rất đẹp, mỗi quả hồng được đặt trong một khay nhựa nhỏ, bọc màng và trên đó in ấn rất đẹp, cảm giá sang trọng. 

Trong khi đó, hồng khô Đà Lạt mới để trong hộp nhựa lớn và dán mạc bên ngoài, kém sang. Việc định danh cho hồng khô Đà Lạt và cải tiến bao bì cho sang trọng là cần thiết để nâng cao hơn nữa giá trị hàng nông sản Việt Nam là cần thiết. Khi đó, không chỉ mặt hàng hồng khô mà nhiều sản phẩm nông sản khác sau chế biến sẽ được người trong nước yêu thích, thậm chí còn có thể xuất khẩu với giá cao.

Từ trà Ô Long của Pepsico và việc trả tên cho hàng Việt

Cũng trong những ngày trước tết lẫn sau tết, người tiêu dùng trong nước đang lên tiếng đòi hỏi cần làm rõ chất lượng những chai trà ô long mang nhãn hiệu Tea+Plus. Nguyên nhân bắt đầu từ việc một số báo online đưa thông tin về việc công ty Pepsico nhập khẩu một loại bột hóa chất mang tên Ô Long, nguyên liệu để làm nước giải khát cho nhãn hiệu Tea+ (Plus). 

Về thực chất, các loại trà có vị khác nhau chủ yếu là do công nghệ chế biến và ủ men. Chính vì thế, một thứ bột hòa với nước để cho một vị nước giải khát là trà Ô Long đã khiến cho người tiêu dùng trong nước lo ngại, muốn biết thực chất nguyên liệu này là gì.

Ở trong nước, công nghệ chế biến trà Ô Long khá phát triển, được xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều nước khác. Thế rồi, một số dư luận tung tin trà Ô Long Việt Nam có chất Dioxin để các nước khác lo ngại, lại chuyển qua nhập khẩu trà này từ Trung Quốc, mà nguồn gốc chính là các doanh nhân Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam. 

Sau những biến động này, năm qua trà Ô Long được chế biến tại khu vực Lâm Đồng đang rơi vào tình trạng xuất khẩu khó khăn và bị ép giá. Chính vì vậy, dư luận đang lên tiếng kêu gọi người tiêu dùng trong nước thận trọng khi sử dụng thứ nước uống mang tên trà Ô Long của Pepsico. Việc trả tên chính danh cho hàng hóa Việt Nam là điều cần thiết.

Điều này cũng tương tự với việc mặt hàng cà phê nhân Việt Nam đang được xuất thô sang nhiều nước trên thế giới, thế nhưng người uống cuối cùng lại không biết đến nguồn gốc cà phê Việt Nam mà chủ yếu là biết đến thương hiệu Brazil. 

Tại Anh, hãng BBC đã làm bộ phim chỉ rõ, do Việt Nam xuất khẩu cà phê nhân (nguyên hạt) nên các nhà chế biến tại các nước đã rang xay và chế biến thành nhiều loại thức uống cà phê, dưới những tên thương hiệu của họ, bán với giá cao. Người tiêu dùng trên thế giới không biết đó là cà phê có xuất xứ được trồng từ Việt Nam.

Và như thế, công việc xúc tiến và quảng bá thương mại cho cà phê Việt Nam cũng cần bài bản chứ không phải chỉ “chém gió” để rồi nếu doanh nghiệp nào đó của Việt Nam khi sản xuất ra sản phẩm cuối cùng cũng khó khăn khi thuyết phục với người tiêu dùng thế giới là Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới về trồng và sản xuất cà phê. 

Hiện tượng hàng hóa Việt Nam khi ra thế giới bị mang tên nước khác, từ cà phê đến tiêu và nước mắm Phú Quốc… là những vấn đề cần phải có kế hoạch bài bản nhằm “đòi” lại tên chính hiệu cho những sản phẩm hàng hóa này của Việt Nam. Các cơ quan quản lý chức năng và doanh nghiệp cần phải có kế hoạch hợp để thực hiện điều này, dù không phải dễ dàng trong ngày một ngày hai là được ngay.

Bình luận của bạn