Tổ chức phiên chợ Việt tại ngoại thành: Tiện cho dân, lợi cho doanh nghiệp
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân các khu công nghiệp trong dịp Tết Canh Tý 2020, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các DN tổ chức 9 phiên chợ Việt, với quy mô từ 20 - 30 gian hàng phiên và tổ chức 250 chuyến bán hàng lưu động và Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết…
Chú trọng đưa hàng Tết về nông thôn
Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) Hoàng Thị Diệu Hồng cho biết: Chương trình phiên chợ Việt là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của ngành công thương Hà Nội trong dịp Tết, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ngoại thành. Hoạt động này không chỉ thu hút các DN sản xuất, bán lẻ Thủ đô tham gia mà còn có sự góp mặt của nhiều DN các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bình Thuận, Phan Thiết, Hà Giang… Qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản vùng miền như nước mắm Phan Thiết, trà Thái Nguyên, nông sản Hà Giang… “Việc DN các tỉnh, thành tham gia phiên chợ Việt tổ chức tại các huyện là minh chứng rõ nét việc triển khai hoạt động kết nối cung cầu giữa Hà Nội với các tỉnh” - bà Hoàng Thị Diệu Hồng khẳng định.
Thực tế cho thấy, dịp Tết cũng là thời gian mà nạn hàng lậu, hàng giả lại hoành hành. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các DN tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải là hàng Việt, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu vệ sinh ATTP, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng, sản phẩm làng nghề truyền thống.
Người dân hào hứng
Thực tế, dù thời gian tổ chức phiên chợ Việt chỉ kéo dài từ 3 - 5 ngày/phiên nhưng với những yếu tố như hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Xuân Minh ở thôn Thúy Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho biết, các mặt hàng tại phiên chợ năm nay rất đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại từ quần áo, thực phẩm, đặc biệt người dân còn có thêm cơ hội tiếp cận đặc sản vùng miền như nước mắm Phan Thiết, trà Thái Nguyên, mật ong Hà Giang… Khi nói về chất lượng hàng hóa bầy bán tại phiên chợ Việt, đa phần người tiêu dùng xã Tân Hội đều có chung ý kiến: Chúng tôi rất tin tưởng vào chất lượng hàng hóa bán tại “Phiên chợ Việt” bởi đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, mẫu mã đẹp, chủng loại cũng phong phú. Đặc biệt là giá cả ổn định, đáp ứng được nhu cầu và phù hợp túi tiền của người dân.
Trong khi các DN tham gia chương trình cũng rất phấn khởi trước sự quan tâm của người dân với sản phẩm của mình. Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết Nguyễn Quang Chiến cho biết: Việc tham gia các phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành không chỉ hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu mà còn tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm đặc sản vùng miền. “Có không ít gia đình đến phiên chợ mua nước mắm Phan Thiết dùng đủ cả năm. Qua đó cho thấy người dân rất tin tưởng vào chất lượng cũng như mức giá của sản phẩm mà DN mang đến với phiên chợ” - ông Nguyễn Quang Chiến hồ hởi chia sẻ.
Mặc dù phiên chợ Việt đã thu hút người tiêu dùng nhưng thực tế qua phiên chợ tổ chức tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng trong ngày 4/12 cho thấy, người tiêu dùng mong muốn trong quá trình tổ chức phiên chợ, DN nên tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Tuy nhiên, việc liên kết DN sản xuất với DN phân phối còn lỏng lẻo nên hầu như không đưa ra chương trình giảm giá cho các sản phẩm đưa về ngoại thành tiêu thụ. Ngoài ra thời gian tổ chức phiên chợ hàng Việt khá ngắn chỉ 3 - 5 ngày/phiên, nên chưa nhiều người tiêu dùng được hưởng những chương trình khuyến mại, giảm giá. Đây là những hạn chế cần phải khắc phục qua đó hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm Việt tới người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.