Tọa đàm: Đưa hàng Việt vào kênh bán lẻ hiện đại, cách nào?
Các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa, muốn mở rộng thị trường, phát triển thị trường cần tăng cường hợp tác với các nhà thu mua có thương hiệu lớn, để phát triển thương hiệu riêng.
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Saigon. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Tại buổi tọa đàm “Đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại, cách nào?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp cùng môt số đơn vị tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 30/6, các doanh nghiệp cho rằng, một trong những giải pháp hiệu quả để thâm nhập vào kênh phân phối hiện đại là doanh nghiệp tăng cường xúc tiến các đàm phán, hợp tác với kênh phân phối hiện đại cùng phát triển hàng nhãn riêng những vẫn "đứng tên" nhà sản xuất.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà chia sẻ, đơn vị này tham gia thị trường với tư cách là nhà cung cấp nhãn hiệu riêng cho Công ty Vissan. Qua quá trình hợp tác đó, Công ty San Hà đã từng bước học hỏi kinh nghiệm sản xuất và được hỗ trợ điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu riêng của mình.
Còn đại diện Công ty Ca cao Việt Nam (Vinacacao), với những sản phẩm đặc sản riêng biệt, sáng tạo, thì kênh bán lẻ hiện đại chính là kênh phân phối tiềm năng bởi vì, những sản phẩm này khó tiêu thụ tại các kênh truyền thống. Trong đó, các doanh nghiệp cung ứng cho kênh phân phối hiện đại, cần được hỗ trợ đi song hành với thương hiệu của các kênh phân phối lớn.
Chẳng hạn, hiện sản phẩm của Vinacacao gắn thương hiệu LOTTE Mart, nhưng vẫn có nhãn hiệu ghi sản phẩm sản xuất bởi vinacacao trên bao bì... tức là vinacacao chịu trách nhiệm truy suất nguồn gốc.
Có như vậy, thương hiệu của doanh nghiệp mới được nhiều người tiêu dùng biết đến. Còn nếu không doanh nghiệp Việt Nam vẫn mãi là những người gia công mà không ai biết đến.
Một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt khó vào được các hệ thống phân phối, ngoài các vấn đề cạnh tranh trên thị trường, điều quan trọng nhất đó là nhiều sản phẩm sản xuất ra chưa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, muốn cung ứng hàng hóa hay vào được hệ thống bán lẻ, phải hiểu về khách hàng và xác định được các sản phẩm phù hợp với hệ thống bán lẻ mà mình muốn vào.
Theo ông Nguyễn Vũ Thuận, Giám đốc thu mua thực phẩm của MM Mega Market VietNam (trước đây là Metro), hiện các đối tượng, khách hàng tiềm năng tiêu thụ sản phẩm của MM Mega Market là nhà hàng, khách sạn, nhóm cửa hàng tạp hóa và cơ quan, văn phòng lớn...
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của những đối tượng, khách hàng này, hàng hóa của doanh nghiệp cung ứng phải có truy xuất nguồn gốc, hóa đơn rõ ràng. Riêng đối với các nông sản, hàng tươi sống cần có chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP.../.