Tôm tre 'bơi' tới Mỹ
Chỉ bằng những nan tre, bẹ chuối nhưng qua bàn tay tài hoa của cụ Châu, những con tôm tre được ra đời với hình vóc thật sống động, đẹp đến hút mắt người nhìn.
Bước sang tuổi 88, mái tóc đã bạc màu nhưng cụ Nguyễn Minh Châu ở phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định) vẫn gắn đời với những con tôm hùm được làm bằng tre. Chỉ bằng những nan tre, bẹ chuối nhưng qua bàn tay tài hoa của cụ Châu, những con tôm tre được ra đời với hình vóc thật sống động, đẹp đến hút mắt người nhìn.
Có một không hai
Có thể nói không ngoa rằng, những con tôm tre được ra đời tại nhà cụ Nguyễn Minh Châu là sản phẩm mỹ nghệ độc đáo nhất Việt Nam. Và cụ Châu chính là lão nghệ nhân duy nhất trên đất nước này đã “sinh” ra những con tôm hùm được làm bằng tre giống như thật, thậm chí đẹp hơn thật.
Hồi tưởng lại cuộc đời mình, cụ Nguyễn Minh Châu kể, thời trai trẻ, cụ là người nổi tiếng khéo tay nhất làng. Dù chẳng được học hành bài bản nhưng cụ rất mê hội họa, mê đến gắn đời vào nó. Lập gia đình, rồi những đứa con lần lượt ra đời, áp lực kiếm tiền nuôi con khiến cụ Châu đã biến niềm đam mê của mình thành tiền, bằng nghề đắp tranh nổi.
Ngày ấy còn khó khăn, những gia đình có khả năng mua tranh trang trí nhà cửa chẳng bao nhiêu, khách hàng chỉ quanh quẩn trong địa phương. Tuy nhiên, cái nghề đắp tranh nổi cũng đã “đỡ đần” cho gia đình cụ Châu một thời gian dài. Đến khi hết khách hàng, không còn bán được tranh, cuộc sống gia đình không thể trông cậy cả vào mấy sào ruộng. Trong “cái khó ló cái khôn”, thế là cụ Châu nảy ra nghề làm những con rồng, cua, tôm bằng tre.
“Sau khi nhận thấy người tiêu dùng thích mua tôm hơn những con rồng, con cua nên tôi chuyên tâm vào con tôm. Những con tôm đầu tiên ra đời rất thô mộc, chỉ to bằng nắm tay, chẳng có màu mè gì, toàn thân tinh một màu vàng của tre được hơ lửa. Có lẽ do nó quá thô mộc nên chưa thu hút được khách mua, sản phẩm làm ra bán chỉ đủ tiền chợ. Tôi lại mày mò, nghiên cứu làm những con tôm hùm to hơn, được tô điểm màu sắc như con tôm hùm thật và tôi gắn đời với nó suốt gần 60 năm qua”, cụ Châu tâm sự.
Theo lời kể của cụ Châu, để có những con tôm tre trông như tôm thật, cụ đã nhiều đêm thức trắng với hình ảnh của nó. Cụ mua con tôm hùm sống về quan sát để nắm bắt kết cấu của vỏ tôm, màu sắc của từng bộ phận. Vừa làm vừa hoàn thiện, phải mất đến 10 năm cụ Châu mới có thể cho ra đời những con tôm tre trông như thật và đẹp hơn thật như bây giờ.
Thật đã đời khi được nhìn cả đàn tôm hùm đang “bơi” trên mảng tường lớn trong nhà cụ Châu. Vừa dắt tôi đi thưởng lãm sản phẩm, cụ Châu vừa kể thêm: Năm 1987, sản phẩm tôm hùm tre của cụ Châu được giải thưởng thủ công mỹ nghệ toàn quốc tại một hội chợ được tổ chức ở tỉnh Quảng Ngãi. Tiếng lành đồn xa, từ đó khách đặt mua tôm tre ngày càng nhiều, sản xuất tôm hùm tre trở thành cái nghề “ăn nên làm ra” của gia đình cụ Châu, và từ đó cái biệt danh “Châu tôm” ra đời.
Theo cụ Châu, phần đầu của tôm hùm tre trông phức tạp là vậy nhưng làm ra nó rất đơn giản bằng gỗ cây bông gòn vừa mềm vừa nhẹ, rồi phủ lên lớp keo, sau đó rải thêm lớp cát mịn, gắn râu. Công đoạn khó nhất khi làm tôm là tạo ra cái dáng cong cong của thân tôm. Phần thân này được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi và được kết nối nhau bằng dây thép. Phần đuôi là những miếng tre được chẻ rất mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép để nó có thể ngoe nguẩy như tôm thật.
“Muốn tôm tre lâu hư, không bị mối mọt “ăn thịt”, trước khi làm phải ngâm tre nguyên liệu liên tục trong 6 tháng dưới ao bùn, sau đó vớt lên phơi thật khô. Sau đó, cây tre được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi một đoạn lại được “ăn” hóa chất rồi tiếp tục được phơi nắng, sấy và lại được xông hóa chất chống mối mọt. Nhờ vậy sản phẩm tôm tre của tôi có tuổi thọ rất cao” cụ Châu cho biết.
Tôm tre đi Tây
Mặc dù cái tên “Châu tre” đã nức danh khắp nơi, nhưng cơ sở sản xuất tôm tre của cụ Châu không hề được gắn biển hiệu. Tuy nhiên, căn nhà đơn sơ của cụ là điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài đến tham quan. Du khách đến đây luôn đặt câu hỏi vì sao được làm bằng vật liệu cứng như tre mà sản phẩm lại trông mềm mại, uyển chuyển, sống động đến như vậy. “Có lần, sau khi thưởng lãm sản phẩm, một ông Tây đã cầm 2 bàn tay chai sạn vì vuốt tre của tôi và nói “good... good”, là ổng khen tôi khéo tay đó mà”, cụ Châu vui vẻ kể.
Hiện thợ làm tôm tre trong cơ sở sản xuất của cụ Châu toàn là người trong gia đình: Vợ chồng cụ Châu, vợ chồng con trai cụ Châu là anh Nguyễn Phúc Sơn (56 tuổi) và 2 người cháu họ. Vợ chồng cụ Châu chủ yếu phụ trách việc làm râu tôm. Hai người cháu gái chịu trách nhiệm việc lắp ráp các đốt tre để tạo hình cho con tôm. Những việc còn lại như xử lý nguyên liệu, cưa đốt tre, sơn màu cho tôm... đều do vợ chồng anh Sơn đảm nhiệm.
Sản phẩm tôm tre của cụ Châu được phân thành 3 loại tùy kích cỡ, loại nhỏ nhất có giá 350.000 đồng/con, loại trung bình có giá 400.000 đồng/con, loại lớn 1.000.000 đồng/con. Bình quân, mỗi tháng gia đình cụ bán được khoảng 200 - 300 con tôm tre đủ cỡ, ngày Tết thì lượng hàng bán ra tăng gấp 2 - 3 lần. Ngoài những khách hàng nhỏ lẻ đến mua tận nhà, cụ Châu còn có 2 khách hàng lớn thường xuyên mua hàng số nhiều, 1 ở Hà Nội và 1 ở TP.HCM. Theo anh Sơn, tuy có mối quan hệ làm ăn đã hàng chục năm rồi nhưng gia đình ông và 2 vị khách hàng thân thiết kia chưa một lần gặp mặt nhau. Khi cần, khách hàng gọi điện đặt hàng rồi gửi tiền, cụ Châu gửi hàng đi. Đơn giản, gọn nhẹ.
“Anh Minh, khách hàng ở TP.HCM mua tôm tre của gia đình tôi chủ yếu để bán cho một thương nhân là Việt kiều đang định cư ở Mỹ. Chúng tôi làm ăn với nhau rất uy tín. Vì biết hàng mình xuất khẩu ra nước ngoài nên gia đình tôi cố gắng làm cho sản phẩm ngày càng đẹp, càng chất lượng hơn”, anh Sơn nói.
Theo cụ Châu, có nhiều đối tác muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng gia đình cụ Châu lắc đầu. Bởi cụ cho rằng cứ sản xuất nhỏ lẻ kiểu gia đình để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngày càng thu hút khách hàng thì nghề mới trường tồn và gia đình mới có thể sống được với nghề. Nếu sản xuất hàng loạt mà sản phẩm kém chất lượng thì uy tín sẽ mất dần, đồng nghĩa nghề mất đất sống.
“Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ thì không thể tự thỏa mãn, phải liên tục tìm tòi, nghiên cứu làm sao cho sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, đẹp hơn, rẻ hơn. Suốt mấy chục năm nay gia đình tôi làm “sang” cho cây tre thì chính tre đã nuôi sống gia đình tôi”, cụ Châu bộc bạch.