Tôm Việt - Sức bật mới

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. Riêng Tập đoàn Minh Phú đã quyết tâm xuất khẩu 2 tỷ USD tôm vào năm 2021, còn 8 tỷ USD chia cho 28 tỉnh, nhiều doanh nghiệp lớn, tại sao không đạt 10 tỷ USD sớm hơn?- Đó là câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tổ chức tại Cà Mau mới đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đặt vấn đề: Đến năm 2025 xuất khẩu 10 tỷ USD tôm.

Có lẽ, mục tiêu mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra khiến không ít người… “choáng”. Song, phải chăng đó chính là động thái “truyền lửa” cho ngành hàng xuất khẩu quan trọng của đất nước?

Nhìn ngược thời gian, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Sau 10 năm thực hiện, diện tích nuôi tôm tăng gần 3 lần, kim ngạch xuất khẩu tôm vượt qua con số 2 tỷ USD.

Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 700.000 ha. Tổng sản lượng thu hoạch hơn 650.000 tấn. Cả nước có trên 350 cơ sở chế biến tôm với công suất trên 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm. Năm 2016, tôm Việt Nam đã “bơi” sang 90 thị trường, kim ngạch vượt đỉnh 3 tỷ USD…

Thế nhưng, ngành tôm Việt Nam đang gặp nhiều cản ngại lớn về cơ sở hạ tầng nuôi, kỹ thuật thả nuôi, con giống, thức ăn, dịch bệnh…, nhất là sự liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nghiệp, chưa tạo được chuỗi giá trị bền vững…

Vậy, chỉ sau 8 năm nữa, con tôm Việt Nam có thể trở thành một “Phù Đổng” với con số giá trị xuất khẩu gấp hơn 3 lần hiện tại?

Câu trả lời đã có. “Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ là xuất khẩu 3 tỷ USD, 700.000 ha nuôi tôm như hiện nay mà còn cao hơn nhiều, miễn là chúng ta có khát vọng, có quyết tâm”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000-1.000.000 ha, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất nuôi tôm quảng canh có thể nâng cao gấp 3-5 lần, tôm công nghiệp tăng 1,5- 2 lần so với hiện tại nếu có các giải pháp phù hợp… Đó là chưa kể hàng loạt các giải pháp khả thi khác về phương thức canh tác, tạo chuỗi giá trị… mà các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị, đã thực thi hiệu quả trong thực tiễn.

Nhìn ra thị trường thế giới, tôm luôn được ưa chuộng, hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm. Tôm hầu như không bị khủng hoảng về giá.

Ngoài xuôi, trong thuận, con tôm Việt Nam có nhiều lợi thế để nhanh chóng lớn mạnh. Vấn đề chính là con người phải có khát vọng, có quyết tâm vượt lên chính mình.

Bình luận của bạn