Tổng kết “Hàng Việt về nông thôn” năm 2013
Ngày 28/11/2013 vừa qua, tại TP.HCM, Trung tâm BSA đã tổ chức buổi tổng kết chương trình “Hàng Việt về nông thôn” năm 2013 và định hướng hoạt động cho năm 2014 với sự tham dự của gần 30 doanh nghiệp. Trong buổi tổng kết, các doanh nghiệp đã đưa ra những hạn chế, thiếu sót của chương trình trong năm qua, đồng thời cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm bản lề 2014.
Trong buổi tổng kết, các doanh nghiệp đã đưa ra những hạn chế, thiếu sót của chương trình trong năm qua, đồng thời cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm bản lề 2014.
Một năm nhìn lại
Các doanh nghiệp và ban tổ chức đều nhìn nhận rằng, trong một năm qua, chương trình đã đạt được nhiều thành công, đó là việc tổ chức 22 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, thu được 23,652 tỉ đồng. Trong đó thu hút 260,427 lượt người đến tham quan, mua sắm. Đi qua các địa phương, chương trình đã tặng 1320 phần quà cho hộ nghèo và học sinh nghèo, 19,500 tập cẩm nang người bán lẻ đã được cung cấp cho các tiểu thương…
Tuy nhiên, cũng vẫn còn đó những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả truyền thông cho chương trình như: Tăng cường xe cổ động và đoàn xe diễu hành, mời ĐSHV tham gia, nâng cao chất lượng game show, tăng thời gian bán hàng lên 3 ngày, 3 đêm, đồng bộ tất cả các gian hàng trong phiên chợ…
Doanh nghiệp chọn bán hàng nông thôn là mặt trận chính
Năm 2014 là năm thứ 5 liên tiếp của chương trình Hàng Việt về nông thôn được tổ chức, và đây cũng là năm cuối cùng trước khi các hiệp định thương mại tự do FTAs có hiệu lực. Trong năm 2015, toàn bộ hàng nhập khẩu thuế sẽ bằng không, những chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện nay đang mọc lên như nấm sẽ làm thu hẹp các cửa hàng tạp hóa trong tương lai, vì thế hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì thế, các doanh nghiệp hãy xác định đối tượng người tiêu dùng, cụ thể hơn ở đây là tầng lớp bình dân, việc này được thực hiện rõ nhất qua các chợ truyền thống cũng như những lần đưa hàng về thị trường nông thôn. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN.HVNCLC chia sẻ với các doanh nghiệp, “Nếu chúng ta nhìn xa trông rộng, năm 2014 là năm cuối cùng để chúng ta củng cố mạng lưới bán hàng trong tầng lớp người tiêu dùng bình dân và ở nông thôn. Nếu là nông thôn thì chọn những tỉnh nào, khu vực nào để bán hàng, từ đó củng cố thật tốt mạng lưới của mình để tiến xa hơn trong tương lai”.
Đồng quan điểm này, ông Lý Thành Sinh, giám đốc công ty Minh Long Hưng cho rằng, “Cá nhân tôi sẽ chọn bán hàng nông thôn là một trong những phương tiện để tự cứu mình, bởi đi về vùng nông thôn là phù hợp với đối tượng tiêu dùng mà công ty đã chọn”. Hầu như cac doanh nghiệp đều đã lường trước được khó khăn và đã xác định mục tiêu của mình, ông Phan Quang Diệu, đại diện Nhựa Chợ Lớn nhận định “Các doanh nghiệp hãy tạo lập cho mình một căn cứ địa để phát triển, đó là cách tạo một tầm nhìn lâu dài cho doanh nghiệp trong thời buổi này”.
Nguồn: BSA.org.vn