TP. Hồ Chí Minh: Tìm hướng mới cho hàng Việt

Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) tại TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định. Tuy nhiên, để “chắp cánh” cho hàng Việt, cần phải kết nối được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, phải sản xuất theo định hướng, theo nhu cầu từ nhà phân phối.

Nâng chất cho hàng Việt

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 17/4.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, 10 năm qua, việc triển khai CVĐ đã gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên kết quả mới dừng ở mức độ phong trào, vận động, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm mà chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, từ thực tế trên, thành phố đã đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ. Theo đó, chuyển từ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam thông qua cách làm mới với tên gọi “Chắp cánh hàng Việt”.

Đại diện Sở Công Thương cho hay, giai đoạn một của chương trình “Chắp cánh hàng Việt” sẽ được triển khai ở kênh phân phối hiện đại trong năm 2019. Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung vào ngành hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, gồm: rau củ quả trái cây, thịt gia súc, gia cầm… Bởi lẽ, đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người dân cũng như hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân các tỉnh.

“Hơn nữa, thành phố rất cần nguồn cung ổn định và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi làm tốt mục tiêu này, sẽ khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Việt là tiền đề để vươn ra thế giới” - ông Hòa nói thêm.

Nhà phân phối sẽ định hướng cho sản xuất

Cũng theo đại diện Sở Công Thương, Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” đặt ra mục tiêu chuẩn hóa và nâng tầm hàng Việt. Theo đó, “để nâng tầm thì phải chuẩn hóa, không chỉ đạt chuẩn trong nước mà còn đạt cả những tiêu chuẩn để ra thị trường thế giới. Do đó, trong chương trình này, các hệ thống phân phối hiện đại tiên phong đưa ra chuẩn “mới” nhưng không xa lạ, không vượt quá các tiểu chuẩn của nhà nước quy định” – ông Hòa giải thích.

Theo phân tích của Sở Công Thương, vai trò cốt lõi hiện nay thuộc về khâu phân phối. Các doanh nghiệp, hộ dân phải sản xuất theo tín hiệu thị trường, theo yêu cầu của thị trường. Những tín hiệu đó đều do nhà phân phối phát ra. Ví dụ, các nhà phân phối quy định chỉ nhận bán các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap thì chắc chắn ở khâu sản xuất, nông dân và hợp tác xã sẽ phải tuân theo nếu muốn đưa hàng vào. Ở phía ngược lại, các nhà phân phối cần có cam kết lượng hàng thu mua, tránh để mất cân đối cung – cầu, nông sản cũng không cần phải giải cứu – ông Hòa nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với Sở Công Thương, PGS.TS Trần Tiến Khai – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – nhận định, đã đến lúc các nhà phân phối hiện đại và các doanh nghiệp sản xuất phải ngồi với nhau để hình thành được bộ tiêu chuẩn dùng chung, không chỉ thỏa mãn yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn thỏa mãn yêu cầu thị trường thế giới.

Liên quan đến khâu sản xuất, theo PGS.TS Trần Tiến Khai, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các tỉnh thành nơi sản xuất nguyên liệu là hết sức quan trọng. Điều đó thể hiện qua việc hướng dẫn, tổ chức xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã quy mô lớn sản xuất các nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn. Đồng thời, địa phương cần huấn luyện và kiểm soát tiến trình áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Hơn nữa, “cần xây dựng các khu, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm, có cơ chế quản lý thông thoáng để hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm tổ chức sản xuất, giết mổ, sơ chế thực phẩm ngay tại đầu nguồn” - ông Khai đề xuất.

Bình luận của bạn