TPHCM: Hàng Việt chiếm hơn 90% trong hệ thống phân phối

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có hệ thống phân phối rộng khắp với 40 trung tâm thương mại, gần 200 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 900 cửa hàng tiện lợi. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối tiếp tục duy trì ở mức hơn 90%.

Ông Trần Tấn Ngời, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM, cho biết thời gian qua, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và các quận, huyện của thành phố đã đẩy mạnh tổ chức vận động các hội viên, người tiêu dùng hưởng ứng tiêu thụ hàng Việt bằng nhiều hình thức như tuyên truyền vận động, tổ chức các cuộc thi hay tọa đàm về hàng Việt tại các khu phố, phát triển mô hình “Mỗi tiểu thương là một đại sứ hàng Việt”, phát động tháng cao điểm “Tết Việt dùng hàng Việt”... 


 

Theo đại diện Saigon Co.op, hiện nay trên kệ hàng của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, hàng Việt luôn chiếm hơn 90%. Năm 2016, doanh thu bán hàng Việt của hệ thống đã đạt gần 26.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Co.opmart còn là hệ thống phân phối hiệu quả 9 nhóm hàng bình ổn giá (đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm…), góp phần điều tiết giá cả thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời kiên định duy trì tỷ lệ hàng Việt hơn 90%, thiết thực quảng bá và giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã có mặt tại 40 tỉnh, thành trên cả nước với 400 cửa hàng, điểm bán. Saigon Co.op cũng đang hợp tác tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam từ 50 tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, hàng hóa Việt Nam chất lượng tốt, nhất là các nông sản đặc sản, không những tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được Saigon Co.op hướng tới xuất khẩu.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá: “Mạng lưới phân phối bán lẻ của thành phố đã và đang không ngừng phát triển. Nhiều thương hiệu hàng Việt đã phát triển lớn mạnh, dẫn dắt các chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Các hệ thống phân phối tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới cải tiến chất lượng dịch vụ... góp phần đáng kể trong việc thay đổi diện mạo ngành thương mại thành phố theo hướng văn minh, hiện đại”.

Năm 2017, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, tạo niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao thành lập website “Tự hào hàng Việt” nhằm hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, chương trình bình ổn thị trường của thành phố năm 2017 đã được triển khai từ tháng 4 và kéo dài đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, với sự tham gia của 88 doanh nghiệp (tăng 2 đơn vị so với năm trước), đảm bảo chiếm 25% - 40% nhu cầu thị trường, tùy từng mặt hàng.

Các doanh nghiệp bình ổn sẽ được thành phố hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao; phát triển mạng lưới điểm bán, nhất là những điểm bán hàng Việt Nam và thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP…
 

Bình luận của bạn