Trái cây Việt chinh phục các thị trường khó tính trong năm 2015
Năm 2015 là năm trái cây Việt Nam đánh dấu hiệu quả trong hoạt động mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm trái cây Việt Nam sang các thị trường khó tính.
Tại hội nghị tổng kết công tác 2015 và triển khai kế hoạch công tác 2016 của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 12/1, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết hợp tác quốc tế đã và đang được đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là việc dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật góp phần mở rộng thị trường đối với hàng hóa nông lâm sản của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật đã đẩy nhanh tiến độ phân tích nguy cơ dịch hại đối với xoài và vú sữa xuất khẩu vào thị trường Mỹ; tiến hành thúc đẩy việc xuất khẩu vú sữa, nhãn, vải và chôm chôm sang Hàn Quốc; cung cấp hồ sơ kỹ thuật đối với 5 loại quả tươi phục vụ mở cửa thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cũng như tăng cường tháo gỡ để xuất khẩu trở lại thanh long sang thị trường này.
Các mặt hàng rau gia vị đã xuất khẩu trở lại EU sau thời gian tạm ngừng sẽ được tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng.
Năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn.
Đối với Nhật Bản, ngoài hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10,6 tấn xoài Việt Nam cũng được xuất khẩu sang thị trường này và táo của họ cũng được nhập vào Việt Nam.
Australia đã chính thức đồng ý cho phép nhập khẩu quả vải tươi và đã có 16 lô vải tươi với trên 28 tấn đã được đưa sang thị trường này.
Ngoài ra, New Zealand cũng đã phái chuyên gia sang kiểm tra vùng trồng chôm chôm tại Việt Nam và xây dựng điều kiện và cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng này.
Hàn Quốc đồng ý mở rộng vùng trồng xoài xuất khẩu ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã chỉ đạo sát sao các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường phát triển như thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản đều đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Hàng nông lâm sản nhập khẩu cũng được kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt từ các nước có nguy cơ cao. Năm 2015, đã phát hiện 603 lô hàng nhiễm đối tượng kiểm dịch trên các lô hàng nhập khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị xử lý phi phạm theo quy định và báo cho các nước nhập khẩu. Đối với lạc nhập khẩu của Ấn Độ và lúa mì nhập khẩu từ Ucaina do liên tục được cảnh báo nhưng các lô hàng vẫn bị nhiễm đối tượng kiểm dịch nên đã tạm ngừng nhập khẩu.
Ngành bảo vệ thực vật đã xây dựng điều kiện nhập khẩu đối với 13 mặt hàng của 7 nước, như táo, lê quả tươi và ngọn thu hải đường của Hà Lan; nho, cam và quýt quả tươi từ Australia; cam, chanh và quýt quả tươi từ Ai Cập; táo quả tươi từ Ba Lan, Pháp và Nhật Bản; khoai tây thương phẩm từ New Zealand.
Năm nay, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra chặt chẽ hàng kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu để không lọt các đối tượng kiểm dịch thực vật. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các lô hàng nhập khẩu về các nước có nguy cơ cao.
Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của các nước, cơ quan trong nước để thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam, đặc biệt là rau và trái cây.
Ngoài ra, Cục cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu được thực hiện thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu. So với năm 2014, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2015 đã tăng 17,7%.