Trái cây Việt rộng cửa xuất khẩu

Đóng gói thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An).

Liên tục lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu, ngành rau quả nói chung và trái cây nói riêng đã đánh dấu bước thành công mới khi chinh phục được những thị trường khó tính...

Cơ hội cho trái xoài và thanh long

Sau chín năm đàm phán, cuối tháng 9-2016, lô xoài tươi đầu tiên của Việt Nam từ vùng nguyên liệu của HTX Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã xuất khẩu đi Ô-xtrây-li-a. Đại diện Công ty TNHH Agricare Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu cho biết từ đó đến nay đã xuất khẩu thêm được nhiều lô xoài mới và được người tiêu dùng Ô-xtrây-li-a đón nhận khá tốt. “Ở Ô-xtrây-li-a xoài có rất nhiều, thậm chí giống xoài Ô-xtrây-li-a cũng đã được trồng ở Việt Nam nhưng xoài Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh nhờ vị thơm ngon, đậm đà” - đại diện công ty này phân tích.

Đầu tháng 10-2016, tại Nhà máy xử lý hơi nhiệt nông sản của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), 28 tấn thanh long tươi đã được xử lý để xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc), đánh dấu sự trở lại thị trường lớn này sau bảy năm gián đoạn. Cụ thể, vào tháng 3-2009, Đài Loan đã cấm thanh long tươi của Việt Nam do lo ngại về dịch hại (ruồi đục quả). Qua nhiều năm đàm phán, Đài Loan đã chấp thuận giải pháp xử lý hơi nước nóng để diệt dịch hại và yêu cầu nguyên liệu thanh long phải được trồng theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số. Đây là thị trường quan trọng của thanh long do Việt Nam đã từng đạt sản lượng khoảng 14 nghìn tấn/năm trước khi gặp phải lệnh cấm. Điều này cho thấy, trong nhóm các thị trường khó tính (Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân, Đài Loan (Trung Quốc),… yêu cầu phải xử lý dịch hại bằng phương pháp chiếu xạ hoặc hơi nước nóng) Việt Nam đã lần lượt “mở cửa” thành công các loại quả: thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, xoài,… và sản lượng xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm đã khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các hàng rào kỹ thuật ngặt nghèo nhất thế giới.

Nhìn chung, ở các thị trường này, đều yêu cầu vùng trồng phải có mã số sau khi được hướng dẫn và kiểm tra đáp ứng được các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Sau khi thu hoạch, trái cây phải được sơ chế và xử lý (hơi nước nóng hoặc chiếu xạ) tại một nhà máy đã được nước nhập khẩu kiểm tra và công nhận. Một số nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản còn cử kiểm dịch viên đến kiểm tra và giám sát từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Bù lại với rào cản kỹ thuật cao là giá bán trái cây ở thị trường này có thể cao hơn từ gấp năm đến bảy lần so thị trường truyền thống.

Không phụ thuộc thị trường

Là một nông dân giỏi ở tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hữu Đức (chủ vườn nhãn 1,3 ha ở xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho được cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ) tự tin khẳng định: Trồng nhãn theo yêu cầu của Mỹ không quá khó. “Đặc điểm của thị trường này là họ rất quan tâm đến lý lịch hàng hóa nên mình trồng phải ghi nhật ký canh tác. Còn phân thuốc cho cây thì mình thực hiện theo cán bộ hướng dẫn, tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch là được” - ông Đức giải thích. Ông Đức cho biết thêm, khi vườn nhãn của ông đạt chuẩn xuất khẩu đi Mỹ thì sẽ đa dạng hóa được thị trường, không lo thương lái ép giá và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong nhóm các thị trường khó tính, Mỹ là thị trường quan trọng nhất (chiếm tỷ trọng khoảng ba phần tư sản lượng xuất khẩu) và cơ hội vẫn còn rộng lớn. Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) cho biết: Ngoài hai nhà máy đóng gói và một nhà máy xử lý hơi nước nóng, công ty đang có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy chiếu xạ để chủ động trong xuất khẩu. Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ đều phải đem hàng lên TP Hồ Chí Minh (Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn) để xử lý. Một doanh nghiệp khác có nhiều kinh nghiệm đưa trái cây sang thị trường khó tính là Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng đang xây dựng một nhà máy sơ chế và kho lạnh, có diện tích 3,6 nghìn m2 để mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc công ty, với thị trường Mỹ, ngoài những loại quả như vú sữa, xoài (sắp mở cửa) thì các loại cây có múi như bưởi, cam của Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện nay thanh long là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 49,8% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm trái cây. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất, chiếm hơn 90% sản lượng. Trong đó, giá rau quả xuất khẩu đều có mức tốt so với tiêu thụ nội địa. Ghi nhận giá xuất khẩu vào giữa tháng 10, một số loại rau quả như: Thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi Hà Lan giá 5,85 USD/kg, thanh long tươi xuất khẩu đi Trung Quốc 0,55 USD/kg, quả quất xuất khẩu đi Na Uy 7,5 USD/kg, bắp chuối xuất khẩu đi Na Uy 6 USD/kg, hành lá đông lạnh xuất khẩu đi Pháp 1,9 USD/kg, xoài cát xuất khẩu đi Ca-na-đa 3,5 USD/kg.

Bình luận của bạn