Trái vải Việt sang Pháp: 240.000 đồng/kg vẫn đắt hàng
Do chi phí bảo quản và vận chuyển cao, trái vải Việt khi được xuất khẩu sang Pháp được bán với giá niêm yết 9,9 euro/kg tại thị trường này.
Theo thông tin từ TTXVN, hai lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên xuất khẩu sang Pháp với tổng trọng lượng gần 1.200kg đã được tiêu thụ rất nhanh tại 4 siêu thị ở thủ đô Paris và một siêu thị tại thành phố Toulouse (miền Nam nước Pháp), thuộc hệ thống các cửa hàng của Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vào Pháp.
Ông Ngô Minh Đường- Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình Jeune cho biết lô hàng đầu tiên gần 600kg đến Pháp ngày 4.6, mặc dù quả vải chưa ngọt lắm do thu hoạch đầu mùa nhưng được bán hết trong vòng chưa đầy 3 ngày. Lô thứ 2 có trọng lượng tương đương đến sau 1 tuần, quả vải ngọt sắc do đã vào chính vụ và đang được tiêu thụ rất tốt. Với mức tiêu thụ như vậy, công ty sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm 2 lô hàng nữa trong tháng 6 đưa tổng khối lượng vải thiều nhập khẩu vào Pháp trong vụ mùa này là khoảng 2-3 tấn.
Theo ông Ngô Minh Đường, hiện giá thành bán 1kg vải tại thị trường Pháp vẫn được niêm yết ở mức 9,9 euro/kg do chi phí bảo quản và vận chuyển cao, mặc dù Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã hỗ trợ 20% cước phí vận chuyển. Lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune cho biết, nhằm giảm giá thành sản phẩm, công ty đang lên kế hoạch vận chuyển vải bằng đường tàu biển. Tuy nhiên kế hoạch này sẽ áp dụng vào mùa vải 2016 do hiện vẫn chưa tập trung được số lượng vải lớn và chất lượng đồng đều. Bên cạnh đó, ông Đường cũng đề xuất xây dựng thương hiệu vải thiều Việt Nam để cạnh tranh với những sản phẩm vải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Israel được bày bán trong các siêu thị ở Pháp.
Ông Ngô Minh Đường cho biết, sau trái vải, Công ty Thanh Bình Jeune sẽ phối hợp Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để nhập khẩu nhãn Hưng Yên. Theo ông Đường, quả vải, quả nhãn, cũng như nước mắm Phú Quốc... cần được xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết được nguồn gốc xuất xứ, tạo uy tín và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam.
Nguồn: Báo Dân Việt