Trùm XK vải thiều đất Bắc: 3.500 tấn sẽ được xuất đi Nhật Bản và Châu Âu
Vài chục tấn, thậm chí chỉ vài tấn vải thiều xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu của một số DN đã được người ta tung hô là kỳ tích. Nhưng có một DN vẫn âm thầm thu mua, chế biến, XK mỗi vụ hàng nghìn tấn vải tươi sang Nhật thì máy ai biết đến?
1 ngày chế biến hàng trăm tấn vải tươi
10 ngày trở lại đây, ông Nguyễn Văn Gần, Phó Tổng GĐ Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao (DOVECO) hầu như mất ngủ.
Phụ trách cả 1 nhà máy chế biến vải thiều hàng trăm tỷ đồng, làm việc 3 ca liên tục, ông rạc người đi. Tuy nhiên, nét rạng rỡ trên khuôn mặt và đôi mắt ông thì không thể giấu nổi niềm vui. Ông Gần bảo, từ đầu vụ vải thiều đến nay, mỗi ngày DOVECO “ăn” hơn 100 tấn vải. Xe tải, xe container từ Bắc Giang, Hải Dương ùn ùn đổ về. Vải thiều tươi chở về đòi hỏi phải chế biến ngay mới đảm bảo chất lượng. Thế nên, cả ngày lẫn đêm, dây chuyền của DOVECO chạy không nghỉ.
Đầu năm 2016, DOVECO đã đưa dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất Việt Nam vào vận hành, đó là dây chuyền lạnh IQF công nghệ Nhật Bản công suất hơn 4 tấn sản phẩm/giờ. Với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, dây chuyền này hoàn toàn tự động, được giám sát lắp đặt và tập huấn vận hành bởi chuyên gia Nhật Bản.
Bởi thế, những ngày này, dù nắng nóng gay gắt, nhưng hàng chục cán bộ kinh doanh của DOVECO vẫn túc trực từng giờ tại 2 điểm vựa vải thiều lớn nhất miền Bắc là Bắc Giang và Hải Dương để thu mua, tuyển lựa vải đưa về nhà máy. Vụ vải thiều năm ngoái, DOVECO đạt sản lượng chế biến kỷ lục khi thu mua hơn 2.500 tấn vải tươi để chế biến XK. Tuy nhiên, kỷ lục đó đã bị xô đổ khi năm nay, chỉ tính riêng các hợp đồng với đối tác Nhật Bản, DN này sẽ phải chế biến đến 3.000 tấn vải tươi.
Dây chuyền chế biến hoàn toàn tự động của DOVECO
Tuyển lựa vải thiều được DOVECO thực hiện kỹ lưỡng
Vải thiều đã qua chế biến, được tuyển lựa một lần nữa để đóng gói sản phẩm
Ngoài ra, DN còn ký hợp đồng tiêu thụ 500 tấn vải thiều với đối tác châu Âu. Như vậy, năm nay, 3.500 tấn vải thiều sẽ được xuất đi. Một kỷ lục khó có DN nào của Việt Nam vượt qua ở thời điểm hiện tại. “Chúng tôi đang rất lo việc thu mua nguyên liệu, bởi vải năm nay giá cao, lại có nhiều DN đặt vấn đề thu mua với nông dân nên việc cạnh tranh rất gay gắt.
Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu vui cho bà con nông dân, bởi thu nhập của người trồng vải cũng vì thế mà tăng lên đáng kể”, ông Gần cho hay. Xu thế cạnh tranh nguyên liệu giữa các DN thu mua ngày càng tăng, nên ngay từ đầu vụ, cán bộ của DOVECO phải xuống tận từng vườn vải ký hợp đồng với các HTX, với các hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát lượng thuốc BVTV. Năm nay, DOVECO đã có 500ha vùng nguyên liệu ở 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương.
Nâng cao thu nhập cho nông dân
Ông Gần cho biết, không chỉ đặt trọng tâm thu mua và chế biến vải thiều, DOVECO hiện đang tập trung nhân lực và vật lực để chế biến dứa. Đây là một trong những sản phẩm thế mạnh của đơn vị từ trước đến nay với doanh thu từ dứa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của DN. Dây chuyền đông lạnh sản phẩm nhanh IQF Để duy trì sản phẩm thế mạnh, DOVECO luôn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao đời sống và thu nhập cho người trồng dứa. Chỉ tính riêng năm nay, với sản lượng 70 tấn quả/ha, giá thu mua là 5.000 đồng/kg, mỗi ha dứa, nông dân đã thu được 350 triệu đồng.
Ngoài ra, bán chồi dứa làm giống cũng mang lại 100 triệu đồng nữa. Như vậy, nông dân trong vùng nguyên liệu của DOVECO thu nhập khoảng 450 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với những nông sản khác. Hiện vùng trồng dứa của DOVECO có diện tích khoảng 2.000ha, trong đó hơn 1.000ha cho quả. Một trong những sản phẩm mới của DN này trong một vài năm vừa qua là mơ XK. Nếu như năm 2015, DOVECO SX hơn 700 tấn mơ quả XK cho đối tác Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thì năm nay, sản lượng mơ quả chế biến của DN đã đạt đến 1.000 tấn.
“Trước khi chúng tôi tổ chức thu mua, giá mơ tại các tỉnh miền núi phía Bắc chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, rất khó bán. Nhưng từ năm 2015, chúng tôi thu mua ở Sơn La của dân với giá tại vườn 11.000 đồng/kg. Năm nay giá 13.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần giá thị trường. Bà con nông dân rất phấn khởi. Bởi thế, hiện hầu hết mơ quả đã được bán cho DN chứ lượng bán ra ngoài không đáng kể”, ông Gần cho biết. Với loại quả này, theo vị Phó Tổng GĐ DOVECO, thị trường nước ngoài đặc biệt ưa chuộng, do đó, năm nay, theo hợp đồng đã ký, thì DOVECO sẽ không đáp ứng đủ lượng sản phẩm chế biến từ quả mơ.
Vì vậy, DN đã và đang tiến hành lập dự án khôi phục và mở rộng vùng mơ miền núi phía Bắc. Hiện nay vùng nguyên liệu của DN hiện đã trải dài từ Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn đến các tỉnh đồng bằng như Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, hằng năm cung cấp trung bình hơn 30.000 tấn rau quả các loại như ngô ngọt, đậu tương rau, rau chân vịt, lạc tiên, gấc, khoai môn Nhật Bản… cho công ty....