Tự hào hàng Việt Nam (số 10): Lụa Vạn Phúc chuyển mình trước thách thức
Sự phát triển của thị trường đã đẩy thương hiệu lụa Vạn Phúc gặp những khó khăn nhất định. Làm sao để giữ được “chữ tín” với khách hàng và bảo tồn được nghề truyền thống luôn là nỗi niềm đau đáu với mỗi người dân làng nghề.
Việt Nam luôn có rất nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Để tạo ra một thương hiệu sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường đã là chuyện khó, nhưng để giữ vững được thương hiệu đó lại càng là điều khó hơn bao giờ hết. Làng nghề truyền thống sẽ ra sao trước sức ép cạnh tranh của thị trường? Làm sao để duy trì đội ngũ nghệ nhân nhiệt huyết với nghề? Đó chính là câu hỏi được đặt ra với hầu hết các làng nghề hiện nay. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý vị và các bạn đến với bài phản ánh “Lụa Vạn Phúc chuyển mình trước thách thức” của PV Kênh VOV Giao thông Quốc gia.
“Lụa Vạn Phúc chuyển mình trước thách thức”
Trong những năm gần đây, lụa Vạn Phúc được sản xuất và tiêu thụ khoảng 2,5 triệu đến 3 triệu mét các loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên cả nước. Vào những ngày cao điểm, làng Lụa đón tiếp hàng chục nghàn lượt khách.
Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc còn khoảng gần 300 máy dệt với hơn 100 hộ kinh doanh. Con số này có thể không thấm vào đâu so với thời kỳ thịnh vượng với hơn 1.000 khung dệt, nhưng những nghệ nhân làng Vạn Phúc vẫn luôn tạo ra những sản phẩm mang đặc trưng riêng của làng lụa. Anh Nguyễn Văn Quân, một du khách đã nhiều lần đến làng nghề tìm mua lụa, cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi về đây mua lụa. Tôi thích lụa Vạn Phúc vì chất lượng cũng như giá cả hợp lý. Mỗi lần quay lại đây tôi lại thấy có những sự thay đổi. Các bạn đang phát triển đúng đắn hơn khi phát triển làng nghề kèm theo dịch vụ du lịch. Sự cạnh tranh lành mạnh cũng khiến khách hàng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sản phẩm, mẫu mã có chất lượng hơn”.
Lụa Vạn Phúc được ra mắt tại hộichợ Marseille vào năm 1931và Paris năm1932. Ngay từ khi xuất hiện, lụa Vạn Phúc đã được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương. Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong đó các loại lụa cao cấp phải kể đến như: lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng, lưỡng long chầu Khuê Văn Các…
Lụa Vạn Phúc ỏng ả, bền và đẹp. Điều làm nên sự khác biệt chính là kỹ thuật dệt tinh tế của nghệ nhân mà không phải nơi đâu cũng có. Mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp, mùa thu lại thanh nhẹ, duyên dáng. Chỉ bấy nhiêu đặc điểm đã khiến khách hàng khó có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của mảnh lụa làng nghề. Chị Phan Thị Thu, một khách hàng mua lụa nhận xét: “Hiện giờ có rất nhiều mặt hàng lụa cho người mua lựa chọn, nhưng mình vẫn thích chọn lụa Vạn Phúc. Đó không chỉ là một sản phẩm có thương hiệu mà mình cảm thấy thật sự hài lòng với chất lượng ở đây. Mình thường chọn lụa Vạn Phúc làm quà tặng cho người thân mỗi khi có cơ hội đến đây”.
Cùng với sự phát triển của thị trường, sự cạnh tranh của những thương hiệu lụa khác có giá thành rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, đã đẩy thương hiệu lụa Vạn Phúc gặp những khó khăn nhất định. Làm sao để giữ được “chữ tín” với khách hàng và bảo tồn được nghề truyền thống luôn là nỗi niềm đau đáu với mỗi người dân làng Vạn Phúc.
Để bắt kịp với xu thế của thời đại, người dân làng nghề đã có những sự thay đổi thích hợp và hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Văn Chính một trong 7 nghệ nhân còn lại của làng nghề chia sẻ: “Trong lúc mặt hàng ngoài vào nhiều những sản phẩm trôi nổi, bước cạnh tranh rất khó. Chính vì thế mình phải làm những mặt hàng có thương hiệu trên biêng vải. Để chứng minh cho khách hàng biết đây là hàng Vạn Phúc và đây không phải là hàng của Vạn Phúc. Với sự quyết tâm của bà con Vạn Phúc luôn luôn muốn duy trì và phát huy nghề và luôn luôn muốn cải tiến công cụ, mẫu mã để làm cho những mét lụa khi ra thị trường là đạt yêu cầu và có thể hơn cả đạt yêu cầu nữa”.
Công cụ sản xuất hiện đại có thể được trang bị, mẫu mã sản phẩm có thể trau dồi, học hỏi nhưng đối với bất cứ làng nghề nào muốn tồn tại và phát triển thì yếu tố con người luôn phải là chủ đạo. Để “giữ lửa” làng nghề, nhiều lớp học nghề dệt lụa truyền thống đã được mở. Những kỹ năng và kinh nghiệm của lớp nghệ nhân đi trước đã được lớp trẻ tiếp thu và phát huy. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề nhấn mạnh: “Muốn duy trì được làng nghề thì đội ngũ kế cận tức là tầng lớp trẻ, là chúng ta phải có. Phải tâm huyết với nghề để xây dựng nghề truyền thống của địa phương. Chúng tôi cũng đã tổ chức những buổi hội thảo: “Nghề thủ công đứng trước thềm hội nhập”, cho chúng tôi nhận thấy rằng nếu như chúng ta không có nhận thức đúng đắn tư duy về thương mại thì chúng ta sẽ bị tụt hậu”.
Một trong những bài học đầu tiên và quan trọng nhất luôn được tầng lớp kế cận ghi nhớ, đó chính là cái tâm với nghề. Chỉ khi thổi được hồn vào sản phẩm thì lụa Vạn Phúc mới có được chỗ đứng bền vững trong lòng người tiêu dùng. Với những kế hoạch định hướng phát triển rõ rệt, Vạn Phúc giờ đây đã trở thành một địa chỉ tin cậy, cung cấp những sản phẩm dệt, may chất lượng của thủ đô Hà Nội.