Tự hào hàng Việt Nam (số 12): Yên Bái với nỗ lực tạo “sân chơi” cho hàng Việt
Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua, Sở Công thương Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với hàng hóa sản xuất trong nước.
Yên Bái được biết tới như một thị trường đầy tiềm năng cho hàng Việt. Đặc biệt, các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn bị các nhà bán lẻ bỏ ngỏ. Nhận định thực tế này, đồng thời nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Công thương Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với hàng hóa sản xuất trong nước.
Là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với hệ thống giao thông tương đối đa dạng, Yên Bái có cơ hội thuận lợi tăng cường hội nhập, giao lưu kinh tế thương mại. Đây cũng là một trong những địa phương tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái cho biết, hàng năm Sở tổ chức cho các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh đưa hàng về các địa bàn nông thôn, vùng cao bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng. Tất cả hàng hóa đều là hàng Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đưa hàng về bán tại các địa phương thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hoá có chất lượng với giá cả hợp lý; tổ chức hội chợ triển lãm gian hàng Việt.
Ông Chiến cho biết: “Các doanh nghiệp nhìn chung đã ý thức được ý nghĩa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, đem lại cơ hội sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa. Sản phẩm hàng hóa được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từng bước thay đổi tin tưởng của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt”.
Ông Chiến chia sẻ thêm, từ năm 2009 đến nay, Sở Công Thương Yên Bái đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức 17 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại các huyện trong tỉnh với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng cùng sự tham gia của 15 doanh nghiệp. Ngoài ra, 89 lượt hội chợ, triển lãm diễn ra trên địa bàn tỉnh, mỗi lượt thu hút 100 gian hàng, khoảng 20.000 lượt khách tham quan, doanh thu trung bình 500-700 triệu đồng.
Xây dựng thương hiệu cũng là nội dung được Sở Công thương Yên Bái chú trọng. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tư vấn, hướng dẫn thiết kế, đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, cách thiết kế, được tuyên truyền quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều thương hiệu sản phẩm đã nổi lên, gắn liền tên tuổi với địa phương. Có thể kể đến như chè Suối giàng của Công ty TNHH Đức Thiện; HTX chè Suối Giàng; Sản phẩm Miến đao của xã Giới Phiên; tranh đá quý Việt Nam, tranh đá quý Tuấn Thuận; Sản phẩm tinh bột sắn của Công ty CP lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Sản phẩm tinh bột nghệ, miến, mọc nhĩ, nấm linh chi; Sản phẩm tinh dầu quế, sản phẩm quế vỏ.
Một khách hàng tiêu dùng nói: “Tôi rất yêu thích các sản phẩm truyền thống, đặc sản địa phương. Như hôm nay, tôi có mua một cân chè Suối Giàng và hai bức tranh đá quý Tuấn Thuận. Giá mà Yên Bái có nhiều thương hiệu chất lượng thế này hơn nữa”.
Mong ước của vị nữ du khách cũng là trăn trở với các nhà quản lý Yên Bái. Bên cạnh những mặt thuận lợi, địa phương gặp nhiều rào cản. Thực tế, kinh phí dành cho hoạt động khuyến khích người Việt ưu tiên dùng hàng Việt còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu là nhu yếu phẩm thông thường, chất lượng chưa cao. Đó là chưa kể, thu nhập của người tiêu dùng (đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng cao) còn thấp, chưa có điều kiện tiếp cận sản phẩm da giày, dệt may. Trong khi đó, mạng lưới phân phối của các doanh nghiệp đầu mối sản xuất trong nước chưa đa dạng và chưa thật sự đủ mạnh (như cơ chế đại lý, cách thức bán hàng còn manh mún, lạc hậu…) khiến hàng kém chất lượng giá rẻ còn chiếm lĩnh thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương Yên Bái Nguyễn Đình Chiến thừa nhận, việc thực hiện ký kết giữa Sở Công Thương với các Tập đoàn, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương đưa hàng về địa phương đến nay triển khai rất hạn chế: “Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương và các Bộ liên quan tiếp tục có chương trình chính sách hỗ trợ Yên Bái cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ, vùng sâu vùng xa giúp bà con mua được hàng hóa vừa thu nhập, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con”.
Trong thời gian tới, Sở Công thương Yên Bái sẽ tích cực tổ chức hội nghị thương mại để nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có định hướng tháo gỡ; xây dựng chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà phân phối, sản xuất lớn trong nước đầu tư phát triển mạng lưới phân phối đến địa phương. Cùng với những hỗ trợ từ Trung ương, Yên Bái đang quyết tâm trở thành một “sân chơi” hấp dẫn cho hàng Việt.