Tự hào hàng Việt Nam (số 13): Sơn La - 7 năm một chặng đường
Để tiếp phát huy kết quả đạt được trong trong những năm qua về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỉnh Sơn La đảm bảo sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên doanh và đầu tư, hợp tác.
Trong suốt toàn bộ quá trình 7 năm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho đến nay, tỉnh Sơn La đã đạt được những thành quả nhất định. Không chỉ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng trong nước có chất lượng cao, mà Sơn La đã nổi lên là một trong những địa phương đi đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển…
Từ năm 2009 đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ; thúc đẩy việc sản xuất nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hưởng ứng tích cực về Cuộc vận động, từng bước tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Kết quả, trong 7 năm qua đã tổ chức được 122 hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, trong đó có 68 hội chợ được tổ chức tại trung tâm các huyện, thành phố, 54 hội chợ được tổ chức tại các cụm xã, với gần 14.500 gian hàng các loại, thu hút 9.850 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia. giá trị trao đổi trên 800 tỷ đồng.
Phía sau thành công của tỉnh Sơn La là sự phấn đấu kiên trì, quyết tâm không ngừng của các cấp chính quyền. Để tạo dựng niềm tin của nhân dân, các cơ quan, ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện việc tiêu dùng hàng Việt Nam từ những việc làm thiết thực nhất như: trong mua sắm công, trang bị, vật tư, văn phòng phẩm phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ưu tiên dùng các nguyên liệu có nguồn gốc sản xuất trong nước, từng bước thay đổi cách suy nghĩ và quan niệm mua sắm của người dân. Qua đó, nhiều người đã dần dần quan tâm chuyển sang ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các dịch vụ hoạt động trên địa bàn qua đó cũng đã có nhiều đổi mới trong sản xuất, quản lý và cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Nông Văn Thắng một chủ doanh nghiệp buôn bán mặt hàng chè, cho biết: "Trước đây buôn bán gặp nhiều khó khăn vì người dân không tin tưởng vào sản phẩm của mình làm ra, nhiều khi họ chỉ cần nghe rằng mặt hàng này tốt hơn mặt hàng kia mà không cần dùng thử đã lập tức lựa chọn sản phẩm đó. Nhưng đến bây giờ nhiều người đã thay đổi suy nghĩ quay lại với sản phẩm của địa phương, mặt hàng trong nước vì sự khác biệt về giá thành và chất lượng".
Một trong những khó khăn mà tỉnh Sơn La phải đối mặt trong cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đó chính là nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để đấu tranh hạn chế và loại bỏ thực trạng này, Sở Công Thương tỉnh đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường: tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phòng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tỉnh Sơn La cũng tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng khi mua hàng Việt Nam. Tổ chức các Chương trình nhận diện hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phân biệt hàng thật, hàng giả trên địa bàn huyện Sốp Cộp, huyện Vân Hồ được công luận và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Chị Nguyễn Thị Mai, một người tiêu dùng chia sẻ suy nghĩ: "Nhiều lúc mình muốn sử dụng sản phẩm của mình, của người Việt nhưng có nhiều thứ bị làm giả không đảm bảo chất lượng nên còn đắn đo. Không ai muốn bỏ tiền ra sử dụng sản phẩm có hại cho sức khỏe hoặc chỉ sử dụng được một thời gian ngắn lại hỏng hóc. Nói chung việc mua sắm hầu như phải lựa chọn chỗ thân quen. Từ khi cơ quan chức năng họ làm chặt thì hàng giả mới giảm bớt, nói chung mua sắm cũng yên tâm hơn nhiều".
Để tiếp phát huy kết quả đạt được trong trong những năm qua về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị. Các cấp thẩm quyền của tỉnh Sơn La đảm bảo sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên doanh và đầu tư, hợp tác. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam". Với những thành quả đã đạt được, tỉnh Sơn La tự tin hướng tới là một trong những địa phương đi đầu trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.