Tự hào hàng Việt Nam (số 24): Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác Công - Tư
Với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ…Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Công – Tư giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp khuyến khích các khu vực kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và Tư nhân. Quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và Tư nhân là một biện pháp mới và hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề về huy động vốn, công nghệ và năng lực quản lý nhằm tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, theo đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Công thương và các cơ quan thường trực đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các chương trình quốc gia nhằm thúc đẩy thương mại, công nghiệp và kỹ thuật phát triển. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã tự mình nâng cao được sức cạnh tranh, mở rộng sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước. Về tầm quan trọng của hợp tác Công – Tư, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá: "Với mục đích tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án của Nhà nước trong quá trình cải cách khu vực Công, đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực Tư nhân tham gia cùng Nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức này và Việt Nam cũng đang nằm trong xu thế đó. Tại Việt Nam chương trình đối tác Công – Tư được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực".
Sự linh hoạt trong chương trình đối tác Công – Tư được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật như: Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ về về việc ban hành quy chế thí điểm về đầu tư theo hình thức đối tác Công – Tư; Quyết định số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó, chủ trương của Nhà nước là lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Đồng thời đưa ra những nguyên tắc quan trọng về doanh nghiệp như: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cùng với những mục tiêu cụ thể đó, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam đã ngày càng tạo dựng được thương hiệu của mình.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho biết: "Sau 7 năm vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ở các siêu thị đã có hơn 80% sản phẩm hàng Việt. Và đây là một con số mà chúng ta thấy rằng hợp tác Công – Tư đã mang lại hiệu quả, để trong thời gian tới chúng ta tiếp tục phát huy việc mà chúng ta đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua để hàng Việt Nam tiếp tục sản xuất nhiều hơn nữa. Con số, doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp có mặt, sản xuất và cung ứng dịch vụ hàng hóa tốt nhất".
Trong những năm qua Bộ Công thương và Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác Công – Tư nhằm hỗ trợ cho các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chương trình Xúc tiến Thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, đề án Phát triển thi trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020…để các doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ mới, giai đoạn mới của đất nước.
Về cách thức tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: "Chúng ta có thể quảng bá sản phẩm của chúng ta thông qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành trong nước, ngoài nước. Tham dự các chương trình toàn kết nối giao thương trực tiếp ra thị trường nước ngoài hoặc tham gia giao thương tại Việt Nam. Có một hoạt động hiện đại là thương mại điện tử, tức là thông qua các cổng thông tin, chúng ta có thể quảng bá và tiếp cận thông tin ở chi phí thấp mà có tính quảng bá cao. Về nguyên tắc, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp thứ nhất về tài chính và thứ hai là về kỹ thuật.
Với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ…Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Công – Tư giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp. Các hoạt động Hợp tác Công – Tư gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua đó sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.