Tự hào hàng Việt Nam (số 8): Bước chuyển mình của gốm Thanh Hà

Ngoài làng mộc Kim Bồng, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) còn có làng nghề nổi tiếng khác là gốm Thanh Hà.

Ngoài làng mộc Kim Bồng, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) còn có làng nghề nổi tiếng khác là gốm Thanh Hà. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, tiện dụng mang thương hiệu Thanh Hà đã trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu đối với mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Hội An.

Dân tộc Việt nam có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm. Trong quá trình lao động và sản xuất, nhân dân ta đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ ưu việt và độc đáo. Điều này được thể hiện rõ trong những ngành nghề, làng nghề truyền thống; những sản phẩm vật thể và phi vật thể, ngành nghề gia truyền, chứa đựng những nét tinh hoa văn hóa của người Việt.

Một trong những thương hiệu được du khách trong và ngoài nước yêu thích là gốm Thanh Hà. Nằm bên bờ sông Thu Bồn, cách trung tâm Hội An (Quảng Nam) 4 km về phía Tây, làng nghề Thanh Hà là điểm dừng chân thú vị trên hành trình du lịch từ Khu di sản thế giới Đô thị cổ Hội An đến Khu di sản thế giới Mỹ Sơn. Mỗi năm, làng nghề thu hút trên 10.000 du khách đến thăm quan, tạo hàng trăm việc làm cho lao động bản địa và được định hướng trở thành trung tâm trong chuỗi du lịch, tham quan làng thủ công mỹ nghệ của địa phương.

Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà (Bắc Giang) làm từ đất sét xanh, Bát Tràng (Hà Nội) từ sét trắng, Phù Lãng (Bắc Ninh) từ sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... và nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác.

Chị Hậu, có thâm niên 10 năm làm gốm mỹ nghệ ở Thanh Hà, chia sẻ: “Gốm Thanh Hà có đặc trưng là màu đất, gốm thô chứ không phải dùng men như các nơi. Mình làm vừa khô thì bắt đầu quét một lớp tinh đất, nó sẽ bám và lên nước”.

Điều tạo nên sự hứng khởi với du khách là họ được trực tiếp tham gia vào các công đoạn tạo nên một sản phẩm gốm. Đất lấy về, phải trộn, xéo, nề, ủ cho đến khi nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi, hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép vừa tiết kiệm diện tích.

Bên cạnh đó, gốm Thanh Hà đã thay đổi mẫu mã phong phú hơn, chiều ý du khách hơn, tự đổi mới để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với đồ làm từ nhựa, nhôm. Một nữ du khách hào hứng nói: “Lần đầu tiên em thấy người ta làm vòng cổ bằng đồ gốm. Em rất thích đồ gốm Thanh Hà. Chúng đẹp, đa dạng, có thể kết hợp với trang phục của em cho nó lạ lẫm hơn chút, rất hợp với trang phục đi chơi màu trắng và màu đen”.

Để có thành công như ngày nay, gốm Thanh Hà đã từng trải qua nhiều thăng trầm, thách thức. Mãi đến đầu thế kỷ 21, chính quyền thành phố Hội An mới nhận ra ưu thế phát triển du lịch từ làng nghề truyền thống. Hàng chục tỉ đồng được đầu tư để khôi phục làng gốm Thanh Hà và lập tuyến tham quan cho du khách. Bến sông bị xâm thực được làm bờ kè, đường bê tông được bảo vệ. Ngoài ra, nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng nỗ lực tổ chức nhiều chương trình tôn vinh thương hiệu gốm Thanh Hà. Đây chính là cơ hội để các đơn vị, cá nhân phấn đấu nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi quảng bá sản phẩm.

Nhờ những giải pháp đồng bộ cùng quyết tâm của các hộ sản xuất truyền thống, làng gốm Thanh Hà bắt đầu sống dậy, bếp lò lại đỏ lửa ngày đêm. Nghệ nhân Hậu nói: “Nói chung là thay đổi rất nhiều. Ngày xưa chúng tôi chỉ làm nồi, chum, chảo… Còn bây giờ là có những hoa văn như bình hoa phố cổ rồi lồng bàn, bộ ly, bộ tách, nhiều thứ tân tiến và tiện dụng hơn. Thích lắm mới trở lại, còn không có lẽ chúng tôi bỏ nghề rồi. Lò truyền thống thì vẫn còn, hư thì mình tu sửa. Ngoài vật dụng ông bà để lại, mình chỉ cần mua vật liệu thôi”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có trên 3.355 làng nghề và làng có nghề trong đó trên 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề. Việt Nam ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Bên cạnh các làng nghề trứ danh như Tơ lụa Vạn Phúc, The La khê, Đồng Ngũ Xã, gỗ Sơn Đồng…, Gốm Thanh Hà cũng đang có những bước chuyển mình đáng kể, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa của đất nước.

Bình luận của bạn