Ước muốn vươn xa
Biết về làng Vũ Đại hơn 20 mươi năm có lẻ nhưng tới hôm nay, tôi mới có dịp đến ngôi làng ấy. Tuy nhiên, mục đích của chuyến đi này không phải để tìm hiểu về văn chương, quê hương của Chí Phèo, Thị Nở mà tôi muốn biết thêm về một “hiện tượng” khác - mang tên “cá kho làng Vũ Đại”.
Cái khó ló cái nghề
Tìm đến và trò chuyện với ông Trần Bá Luận - một trong những người có thâm niên làm cá kho đưa ra thị trường tương đối sớm, cho biết, vốn dĩ làng Vũ Đại (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã có nghề dệt vải truyền thống. Trước đây, gia đình cũng có 4-5 máy dệt gia công, nhưng làm mãi cuộc sống vẫn khó khăn, tiền kiếm không đủ để trang trải cho 3 đứa con học hành, nhất là khi chúng vào đại học. Để đỡ chi phí sinh hoạt đắt đỏ chốn đô thành, vợ chồng ông kho cá gửi lên Hà Nội cho con. Món cá ngon dần được bạn bè của 3 con biết đến, rồi giới thiệu với gia đình, hàng xóm, người quen thân. Họ đặt mua, nên vợ chồng ông tự kho cá rồi chuyển đến tận nơi. Đơn hàng ngày càng nhiều, gia đình ông bỏ hẳn nghề dệt để chuyển sang nghề kho cá.
“Năm 2000, tôi bắt đầu làm, nhưng thị trường nhỏ hẹp, chủ yếu người quen biết ở Hà Nội. Thời điểm năm 2000-2005, mỗi tháng cũng chỉ bán được 30-40 sản phẩm (niêu cá)/tháng, sau khi trừ chi phí được khoảng 1 triệu đồng. Đúng là trong cái khó đã ló ra cái nghề” - ông Luận tâm sự.
Vẫn lời ông Luận, từ năm 2008 đến nay, đơn đặt hàng tăng theo cấp số nhân từ 2 đến 3 lần, nhất là sau khi gia đình lập trang website giới thiệu sản phẩm, quảng cáo trực tuyến từ năm 2009. Có thời điểm như Tết năm 2014, gia đình ông đã nhận được tới 7.000 đơn hàng đặt nhưng cũng chỉ đáp ứng được 80%.
Hiện tại, hệ thống đại lý phân phối của gia đình đã có mặt ở nhiều nơi, kể cả trong một số siêu thị lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... để cung cấp cho khách hàng cả nước, thậm chí “xuất khẩu” ra cả nước ngoài, thông qua khách du lịch và Việt kiều. Bình quân mỗi ngày, ông sản xuất và bán được 15- 20 sản phẩm với giá bán bình quân 500.000 đồng/niêu. Mỗi tháng bán khoảng 400-500 sản phẩm.
Nhiều hộ trong làng cũng học theo ông mở cơ sở chế biến, nhiều người trước đây làm đại lý cũng tách ra mở công ty để kinh doanh riêng. Hiện cả xã đã có 20 cơ sở chế biến cá kho làng Vũ Đại.
Anh Trần Bá Nghiệp- con út ông Luận cho rằng, nhờ có thương mại điện tử và internet, cá kho - món ăn truyền thống của làng Vũ Đại đã vượt làng ra phố. Không chỉ giúp cho làng xã có thêm một nghề mà còn mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trực tiếp và gián tiếp. Nhiều mặt hàng khác như cá, niêu đất, thùng carton và hàng chục loại nguyên liệu nông sản khác cũng nhờ đó phát triển. Tiền mua nguyên vật liệu và công lao động lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.
Giữ chữ tín và ước muốn vươn xa
Theo ông Luận, để có được niêu cá kho ngon, phải chọn đúng loại cá trắm đen từ 1-1,5 tuổi nuôi chuyên biệt (không nuôi chung với loại cá khác, vì cá trắm không ăn tạp, không ăn thức ăn công nghiệp, chỉ ăn ốc và rong biển); trọng lượng mỗi con cá đạt khoảng 3,5-5kg. Cá được làm sạch, cắt từng miếng, ướp các loại gia vị gia truyền được trưng cất từ thảo dược, nước cua đồng, muối, nước mắm cốt không bảo quản và hàng loạt nguyên phụ liệu khác như gừng, riềng, chanh, ớt, hành, nước... rồi ninh dưới củi nhãn, vỏ trấu từ 13-15 giờ đồng hồ mới thành phẩm. Riêng niêu đất để kho cá cũng phải chọn lấy từ vùng Nghệ An, nắp đậy mua từ Thanh Hóa. Việc điều chỉnh ngọn lửa cũng là một nghệ thuật, làm sao nồi cá không bị cạn, khê, cháy, làm mất hương vị mà cá lại chắc, nục, không nát và thơm. Đó cũng là yếu tố khiến sản phẩm cá kho làng Vũ Đại rất đắt, lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg.
Cho đến thời điểm này, điều ông Luận băn khoăn nhất đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, vì lợi ích cá nhân trước mắt của một số người. Ngoài ra, giá của sản phẩm khá đắt nên chỉ những người trung lưu mới có điều kiện thưởng thức.
Rời làng Vũ Đại trong ráng chiều chạng vạng ngày cuối năm, không khí làng quê bận rộn, hối hả, chuẩn bị đón mùa xuân mới trong niềm vui. Cũng giống họ, tôi cảm thấy vui vì làng Vũ Đại hôm nay đã chuyển mình, cuộc sống của người dân đã khấm khá rất nhiều nhờ nghề dệt vải và làm cá kho, thay cho hình ảnh ao chuôm, vườn chuối, hay anh nông dân nghèo không tấc đất cắm dùi Chí Phèo chuyên cào mặt ăn vạ... Và dường như, ước muốn của gia đình ông Luận, cũng như nhiều người làm nghề vẫn chưa dừng lại, bởi họ muốn món ăn truyền thống Việt sẽ còn bay xa hơn trên thị trường khu vực và thế giới.