Ưu tiên hàng Việt trong mua sắm tập trung
Quy định về trách nhiệm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung (MSTT), Điểm b Khoản 2 Điều 71 Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng MSTT thuộc phạm vi quản lý của mình.
Điều đáng mừng là khi áp dụng quy định này, một số đơn vị đã mạnh dạn đưa tiêu chí ưu tiên hàng Việt vào danh mục MSTT của đơn vị mình.
Giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt
Chủ trương ưu tiên hàng sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu được thể hiện tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, được nêu rõ trong Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Những ưu tiên này được đánh giá là góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Trên thực tế, việc triển khai cụ thể các chủ trương, chính sách đúng đắn này được nhiều đơn vị hưởng ứng với cách làm rất hiệu quả.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), một điểm đặc biệt trong công tác MSTT của EVNCPC là từ tháng 10/2014 đến nay, ngoài Danh mục thực hiện đấu thầu tập trung tại EVNCPC như trước đây, theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Quy chế đấu thầu 600/QĐ-EVN, Danh mục MSTT thực hiện tại EVNCPC bao gồm: công tơ điện các loại; máy biến áp các cấp điện áp; dây cáp điện các loại; thiết bị đóng cắt gồm các máy cắt tự động đóng lặp lại và tủ máy cắt hạ thế.
EVNCPC cho biết, các loại hàng hóa này có số lượng sử dụng lớn ở các công ty điện lực. Tiêu chí để đưa hàng hóa vào Danh mục MSTT là: khối lượng sử dụng lớn, thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vận hành của lưới điện; được chuẩn hóa về tiêu chuẩn kỹ thuật toàn EVNCPC, có thể điều chuyển giữa các đơn vị, giảm mức dự phòng tại các đơn vị và tránh tồn kho ứ đọng; có các nhà sản xuất, nhà cung cấp trong nước sản xuất đủ năng lực cung ứng.
Và dựa trên kết quả triển khai thực hiện hợp đồng, hàng năm, EVNCPC đã ban hành văn bản gửi các nhà thầu (nhà cung cấp, nhà sản xuất) thông báo Danh mục hàng hóa (tên nhãn hiệu) bị hỏng hóc, tần suất hỏng hóc để các nhà thầu nâng cao chất lượng.
EVNCPC cũng khẳng định, chỉ tiếp tục mua hàng nếu nhà thầu khắc phục được những sai sót đã được chỉ ra. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua MSTT được nâng cao.
Chú trọng tiêu chí hàng nội
Trong quy trình thực hiện MSTT, EVNCPC cho biết, Ban Vật tư được giao nhiệm vụ tổng hợp nhu cầu theo đăng ký kế hoạch năm của các đơn vị trực thuộc và triển khai MSTT để cấp cho các đơn vị. Đối với các công ty con, các đơn vị thực hiện việc mua sắm, cung ứng cho các nhu cầu theo quy định tại Điều lệ Công ty.
Việc phân tích thị trường hàng hóa và nhà thầu để xây dựng các gói thầu MSTT được chú trọng theo các tiêu chí: hàng hóa trong nước sản xuất được hoặc hàng hóa nhập khẩu; số lượng, thương hiệu nhà sản xuất; tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hóa của từng nhà sản xuất trên lưới điện EVNCPC và các đơn vị bạn; hàng hóa đã được sử dụng hoặc hàng hóa mới trên thị trường. Cùng với đó là tiêu chí năng lực của nhà thầu, bao gồm: năng lực tài chính, năng lực thực hiện các hợp đồng tương tự gói thầu, năng lực thực hiện bảo hành và dịch vụ hậu mãi khác.
Theo EVNCPC, việc tổ chức đấu thầu (bao gồm các bước lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời thầu, lập HSMT; xem xét, đánh giá các HSDT, thương thảo, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết, thực hiện hợp đồng) được EVNCPC thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và Quy chế về công tác đấu thầu trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 600/QĐ-EVN ngày 4/9/2014. Thông báo mời thầu được đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu và Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Cũng theo EVNCPC, giá dự toán các gói thầu được xây dựng trên cơ sở báo giá của ít nhất 3 nhà sản xuất, đơn giá các hợp đồng đã ký trong vòng 6 tháng trở lại.
Nói về MSTT, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Phòng Chính sách đấu thầu của Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý thêm, việc lập HSMT, phân chia gói thầu không được hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Đấu thầu MSTT cũng không nên phân chia gói thầu quá lớn để chỉ có một số ít nhà thầu lớn tham gia được. Việc tìm hiểu kỹ thị trường, giá cả, nhà thầu cũng rất quan trọng để xây dựng giá gói thầu phù hợp. Cán bộ làm công tác đấu thầu phải là những người có năng lực, kinh nghiệm đấu thầu trong thực tiễn, đặc biệt là trong từng lĩnh vực hàng hóa đặc thù được giao, để đảm bảo lựa chọn được hàng hóa vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, vừa đảm bảo giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, nếu MSTT mà được đấu thầu qua mạng thì sẽ càng hiệu quả hơn.