Văn hóa trà Việt ra thế giới
Trà vốn là nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng bắt gặp những chén trà xanh. Không chỉ các chuyên gia mà ngay cả khách du lịch nước ngoài cũng đang dần tìm đến trà như một cách để tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam.
“Quốc thủy”
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà liên tử, ngâm nôm Thúy Kiều
(Ca dao)
Từ lâu, trà đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt. Từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho đến những dịp lễ, Tết, ma chay, cưới hỏi…, từ nông thôn cho tới thành thị, đều có sự xuất hiện của những chén trà. Cũng thật hiếm có một thứ đồ uống nào lại vừa có thể sử dụng hàng ngày mà lại mang đầy tính văn hóa nghệ thuật như trà Việt.
Ngay từ xa xưa, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếc ghế, một ống điếu thuốc lào. Người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh… Trong mỗi gia đình cũng đều luôn có ấm trà xanh, trà mạn để mời khách đến chơi nhà. Nơi quyền quý cao sang như cung đình, các ông vua, bà chúa lại có cách thưởng trà cầu kỳ với trà được ướp hương, nước pha phải là nước sương sớm hay nước đầu nguồn… tùy vào từng loại trà. Ở chốn thiền môn, trà lại được xem như vật phẩm tĩnh tọa, nên có câu: “Trà vị, thiền vị, thị nhất vị”, nghĩa là trà và thiền là một. Cách uống trà của thiền môn thể hiện rõ nét những triết lý tu học qua bốn chữ: Hòa (sự hòa hợp của thiên nhiên và con người), kính (kính trọng sự tồn tại của vạn vật), thanh (sự thanh khiết của vật chất và tinh thần), tịnh (sự bình an của tâm hồn).
Văn hóa trà của người Việt đã được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử nhưng chỉ đến thế kỷ thứ IX, X dưới thời Lý- Trần, nó mới chính thức được công nhận như một “Quốc thủy” của dân tộc. Cây chè dần trở thành nét đặc trưng cho nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam.
Mang hồn Việt ra thế giới
Ngày nay, chè Việt đang là một trong những sản phẩm xuất khẩu có sản lượng lớn của nước ta. Lượng chè sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng trong top 5 của thế giới, trung bình gần 200 ngàn tấn mỗi năm. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chiếm đến 70 – 80%, còn lại dành cho việc tiêu thụ trong nước. Chè Việt Nam đã có mặt tại 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường chính như: Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Trung Quốc, Nga, Mỹ… Những năm trở lại đây, các loại trà xanh, trà ô long của Việt Nam ngày càng được thị trường đón nhận và đem lại giá trị lợi ích cao cho người dân trồng.
Năm 2015, trong khuôn khổ Fesival trà Thái Nguyên- Việt Nam, tôi đã may mắn có dịp trò chuyện cùng các chuyên gia về trà từ Nga, Hàn Quốc, Úc đến tìm hiểu và thưởng thức các loại trà Việt Nam. Tất cả đều đánh giá rất cao nét đặc sắc và phong phú của trà Việt. Ông Ramaz Chanturiya- Giám đốc điều hành Hiệp hội chè Nga - người sáng lập ra cuộc thi Tea Masters Cup đầu tiên trên thế giới đã phải thốt lên rằng: Trà của người Việt có nét đặc trưng rất riêng, khó có thể lẫn với bất cứ trà một quốc gia nào trên thế giới. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, không phải đâu cũng có một nền văn hóa trà lâu đời và thú vị như Việt Nam. Ngay cả trong cách pha trà của người Việt cũng thực sự khác lạ, nó có chút gì thoải mái, cởi mở, không quá cầu kỳ nhưng vẫn không hề đơn giản, xuề xòa.
Cũng giống như nghệ nhân pha trà Hoàng Anh Sướng đã từng nói: Nếu ví trà Nhật như một nhà hiền triết, lấy thiền làm gốc, mỗi chi tiết hành động đều mang ý nghĩa sâu xa, thâm thúy; trà Trung Quốc lại như một cô gái đỏm dáng lúc nào cũng cầu kỳ, diêm dúa trong từng cử chỉ, hành động thì trà Việt chỉ đơn giản như một cô thôn nữ mang vẻ đẹp khiêm nhường đầy dung dị.
Bà Sharyn Johnston- Giám đốc Tổ chức Australian Tea Masters thì lại ấn tượng bởi sự phong phú và đa dạng nhưng vẫn đều mang một nét đặc trưng chung của trà Việt đó là vị chát. Quả thực, trà Việt có rất nhiều loại khác nhau từ nhiều vùng, miền trên cả nước như: Trà xanh Tân Cương (Thái Nguyên), trà San tuyết (Hà Giang, Mộc Châu), trà Ô long (Lâm Đồng)… Trà chủ yếu được chia làm 3 dạng chính là: Trà hương, trà mạn, trà xanh. Trà hương là những loại trà được ướp mùi hương thơm như hương hoa nhài, hoa sen… Trà mạn là loại không ướp, chỉ chú trọng đến hương vị tinh túy nhất của trà, còn trà xanh là loại được đun từ chính lá trà tươi. Nhưng dù là loại trà nào thì trà Việt cũng luôn đượm nồng hương vị chát- hương vị đặc trưng nhất của trà Việt. Tuy nhiên, cái vị chát nhưng không hề khé cổ hay khó chịu mà là một vị rất thanh, uống xong còn lại vị ngọt nơi cuống họng, tạo cảm giác thi vị, thư giãn cho người uống. Một thứ “hậu vị” mà ai đã từng trải qua thì sẽ nhớ mãi.
Có lẽ chính vì thế mà cả hai vị chuyên gia đều đã có chung một khẳng định sau khi “thưởng trà”: Nếu được đầu tư phát triển hơn nữa, văn hóa trà Việt sẽ thực sự là thế mạnh để có thể thu hút được khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu trà Việt trên toàn thế giới.