Việt Nam sắp soán ngôi xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới của Brazil
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 2 vừa qua đã khiến nhiều quan sát viên bị bất ngờ, bởi “vượt tất cả mọi dự đoán”, theo như nhận xét của hãng I&M Smith.
Các thương gia Brazil đang cố gắng đáp ứng nhu cầu, mặc dù số liệu cho thấy quốc gia này sắp mất vị trí nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới về tay Việt Nam, ít nhất là tạm thời, do xuất khẩu robusta giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nelson Carvalhaes, chủ tịch liên đoàn các nhà xuất khẩu Cecafé cho biết, trong tháng vừa qua xuất khẩu cà phê nước này đã gần đạt 2,5 triệu bao, gần đáp ứng nhu cầu, mặc dù đó là tháng có lễ hội Carnaval.
Tuy nhiên, con số 2,48 triệu bao cà phê mà Brazil xuất khẩu là mức thấp nhất trong các tháng 2 của 4 năm vừa qua, và giảm 15,5% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu robusta giảm sút.
Và con số đó gần sát với khối lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu – 146.402 tấn (2,44 triệu bao) trong tháng 2, theo số liệu Hải quan. Con số này tăng 23% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù Tết cổ truyền cũng rơi vào tháng 2, tức là giao dịch bị gián đoạn trong khoảng 1 tuần.
Việt Nam: vượt mọi dự báo
Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 2 vừa qua đã khiến nhiều quan sát viên bị bất ngờ, bởi “vượt tất cả mọi dự đoán”, theo như nhận xét của hãng I&M Smith.
Lãnh đạo ngành Việt Nam thì dự đoán xuất khẩu trong tháng 2 ở mức 2,17 triệu bao, trong khi các thương gia dự báo khoảng 1,83 đến 2,33 triệu bao.
Xuất khẩu tăng mạnh ngay cả khi Brazil không nhập khẩu cà phê Việt Nam như kế hoạch ban đầu, khi hạn hán ảnh hưởng tới vụ mùa của nước này.
“Nếu Brazil nhập khẩu cà phê Việt Nam như kế hoạch, có lẽ xuất khẩu của Việt Nam tháng qua đã vượt qua Brazil”, Agrimoney dẫn lời một thương gia cho biết.
Brazil: thấp nhất nhiều năm
Nguồn cung robusta của Brazil khan hiếm thể hiện rõ trong số liệu của Cecafe cho thấy lượng cung đã giảm xuống 9,62 triệu bao trong tháng vừa qua, giảm 57% so với tháng trước đó và giảm 86 so với một năm trước đó. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ 2012.
Brazil đã sản xuất kỷ lục arabica trong năm qua, nhưng robusta lại giảm mạnh do khô hạn ở Espirito Santo, khu vực sản xuất chính.
Xuất khẩu cà phê arabica tháng 2 đạt 2,22 triệu bao, giảm 8,1% so với tháng trước đó và giảm 12,9% so với tháng 2 năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm, Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 5,11 triệu bao, trong đó Đức là nhà nhập khẩu lớn nhất với 1 triệu bao tăng 2,1% so với cùng kỳ nă ngoái, tiếp đến là Mỹ đứng thứ 2 với 957.726 bao, giảm 14,6%.
Nông dân không bán hàng
Nông dân Brazil không muốn bán cà phê ở mức giá hiện tại mặc dù đồng tiền nước này – real – yếu đi so với USD. Điều này khiến cho xuất khẩu cà phê nước này càng thêm khó khăn.
Ông Carvalhaes cho biết suy thoái kinh tế khiến người trồng cà phê có tâm lý bất ổn và muốn tích trữ hàng lại.
Một lý do nữa khiến họ không muốn bán là bởi khả năng vụ thu hoạch 2017 này sẽ không cho sản lượng cao theo “chu kỳ”.
Tuy nhiên, ông Carvalhaes hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong những tháng tới, khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục và thu hoạch vụ mùa mới vào khoảng tháng 5.
Còn ở Việt Nam, theo I&M Smith, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng sẽ gặp trở ngại bởi tiêu dùng trong nước “đang tăng lên và ước tính tới khoảng 2,8 triệu bao mỗi năm”.
Do vụ thu hoạch 2016/17 không cho sản lượng cao, cà phê cần phải dành lại để đáp ứng nh cầu trong nước nên “chắc chắn khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm vào tháng 3 này”.