Vĩnh Long: Ngày càng mặn mà với hàng Việt

Nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã lẫn giá cả là cách doanh nghiệp tham gia hội chợ dùng để tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn. Nhờ vậy, người tiêu dùng càng thêm lòng tin vào chất lượng hàng hóa tại hội chợ, đặc biệt là hàng “made in Vietnam”.

Khách hàng quan tâm, chú ý đến hàng Việt Nam tại hội chợ.
Khách hàng quan tâm, chú ý đến hàng Việt Nam tại hội chợ.

Với 240 gian hàng của 95 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Hội chợ Thương mại công nghiệp Vĩnh Long 2016 (21- 27/10) đã thu hút được đông đảo khách đến tham quan, mua sắm.

Trong đó, có nhiều ngành hàng, sản phẩm đa dạng như hàng tiêu dùng, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng trang trí nội thất, giống cây trồng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các tỉnh- thành... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo đánh giá, các mặt hàng tại hội chợ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tạo lòng tin, sự an tâm cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long cho biết, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng trực tiếp mua sắm hàng Việt chất lượng cao, sở đã kết hợp với 16 trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh- thành, cử các doanh nghiệp sản xuất có quy mô và uy tín trong tỉnh và khu vực, đưa sản phẩm địa phương tham gia.

Anh Nguyễn Văn Đoàn- nhân viên Siêu thị nội thất Hà Nam (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Vĩnh Long là một thị trường khá tiềm năng, siêu thị cũng đã nhiều lần đến tham gia hội chợ. Chỉ trong ngày đầu, đã bán được 3 bộ bàn ghế giá từ 20- 30 triệu đồng/bộ.

Nhằm mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp luôn đồng hành cùng hội chợ. Điển hình như cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (Long Hồ) hầu như không bỏ sót kỳ hội chợ trong, ngoài tỉnh nào.

Nhờ vậy, bên cạnh thị trường truyền thống trong tỉnh doanh nghiệp còn mở rộng ra các tỉnh khác và sản phẩm của cơ sở trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Tứ Phương, hội chợ lần này là dịp cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, thiết lập mối quan hệ sản xuất, kinh doanh, ký kết các hợp đồng kinh tế, tìm đại lý phân phối...

Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Do đó, tại hội chợ, công tác quản lý chất lượng hàng hóa được tăng cường. Như: kiểm tra giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, thời hạn sử dụng, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, kịp thời xử lý các trường hợp đưa hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng… vào tiêu thụ.

Đem đến hội chợ nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chị Mai- chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Bảo Toàn (Bến Tre) nói: “Tôi đem đến rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được nhiều người tiêu dùng quan tâm đón nhận, thấy rất mừng”.

Cô Nguyễn Thị Lan (Phường 2- TP Vĩnh Long) thì cho hay: “Tôi rất thích đi hội chợ này. Hàng hóa nhiều, giá cả phải chăng lại thêm nhiều sản phẩm có thương hiệu, doanh nghiệp uy tín nên mua hàng an tâm hơn”.

Một trong những điểm thú vị thu hút khách là “siêu thị đồng giá” 10.000 đ/món. Với cách bán hàng mới, khách có thể thoải mái lựa chọn hàng như tại một siêu thị thu nhỏ. Chủ gian hàng cho biết: Lần đầu tham gia hội chợ ở Vĩnh Long, thấy sức mua rất khả quan.

Có thể thấy, qua từng phiên hội chợ, hàng hóa ngày càng được cải thiện hơn không chỉ về mẫu mã đa dạng, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng nông thôn mà chất lượng hàng hóa cũng ngày càng được nâng lên.

Qua hội chợ, đã giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của các địa phương, đồng thời, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng và tin dùng hàng Việt Nam chất lượng.

Bình luận của bạn