VPA/FLEGT: Rộng đường gỗ Việt vào EU
Dự kiến cuối năm nay, Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam mở rộng và giữ vững thị trường xuất khẩu (XK).
Cơ hội lớn
EU - thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, để XK gỗ sang thị trường này cần có những tiêu chuẩn khắt khe. Trong đó, việc EU đưa ra dự thảo đầu tiên về chương trình hành động FLEGT là ví dụ điển hình. Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình này là ký kết VPA với các quốc gia đối tác XK gỗ, sản phẩm gỗ vào EU.
“Khi VPA/FLEGT được ký kết, các doanh nghiệp XK gỗ vào EU sẽ tránh được rủi ro pháp lý so với hiện nay, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ tại Việt Nam thông qua việc mở rộng và giữ vững thị trường XK gỗ sang các nước châu Âu”, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc dự án "Hỗ trợ Tiến trình Đàm phán VPA/FELGT tại Việt Nam" do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức bảo tồn thiên nhiên nhiên quốc tế WWF- Việt Nam - chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định: Việt Nam ký VPA với EU sẽ tăng niềm tin với các khách hàng Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản - những thị trường đã áp dụng các quy chế tương tự như EU về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Qua đó, góp phần mở rộng thị trường XK quan trọng này cho ngành gỗ Việt Nam.
Với trên 3.500 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 300.000 lao động, việc ký kết VPA/FLEGT sẽ mang lại những lợi ích đối với cộng đồng: Giá sản phẩm gỗ tăng, mang lại thu nhập cho lao động, doanh nghiệp; thúc đẩy quản lý rừng bền vững…
Gỡ dần nút thắt
Lợi ích đã nhìn thấy nhưng việc tham gia FLEGT sẽ gặp không ít khó khăn và rào cản. Ghi nhận của phóng viên tại một số doanh nghiệp lớn XK đồ gỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho thấy: Không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được ảnh hưởng của FLEGT đến việc sản xuất, kinh doanh và thương mại. “Điều doanh nghiệp thấy khó khăn nhất là quy định cấp phép cho từng lô hàng, qua từng cảng. Việc này khiến doanh nghiệp chậm trễ trong XK, dẫn đến nguy cơ bị phạt hay trả lại hàng từ phía đối tác”- ông Đặng Công Quang - Phó giám đốc Công ty Lâm, Đặc sản XK Quảng Nam- chia sẻ.
Trong tiến trình đàm phán và triển khai Hiệp định VPA/FLEGT, EU rất coi trọng vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội địa phương trong các hoạt động giám sát, thực hiện hiệp định. Bởi vậy, các cơ quan liên quan trong nước và nhiều tổ chức phi chính phủ đã, đang tiếp tục đẩy mạnh tham vấn cộng đồng để đưa chính sách đến với người dân địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Qua đó, tạo ra tiếng nói chung giữa các bên liên quan.
Đại diện Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam)- cho biết, WWF - Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp trong quá trình đàm phán. Nếu cuối năm nay các bên liên quan ở Việt Nam đạt được đồng thuận về định nghĩa gỗ hợp pháp WWF - Việt Nam sẽ xây dựng thí điểm chuỗi hành trình sản phẩm tương thích với yêu cầu của FLEGT và các hệ thống xác minh tính hợp pháp cho 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng năng lực cho khoảng 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ về nội dung này.