Vươn xa lụa tơ tằm Bảo Lộc
Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng từ lâu đã được mệnh danh là thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
Nhưng từ năm 2000, ngành này có nhiều biến động, khiến nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa của Bảo Lộc thoái trào.
Từ năm 2004, với việc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) nhập công nghệ và thiết bị của Nhật Bản để sản xuất mặt hàng tơ lụa cao cấp, 3 nhà máy lớn chuyên sản xuất các mặt hàng tơ lụa để xuất khẩu của Viseri (liên kết với Nhật Bản) tại Bảo Lộc được hình thành, với công suất thiết kế đạt 480.000m lụa dệt áo Kimono, 486.000m lụa may caravat và 85 tấn tơ xe mỗi năm.
Kể từ thời điểm này, thủ phủ dâu tằm tơ hồi phục mạnh mẽ. Hơn 20 mặt hàng sản xuất từ tơ lụa Bảo Lộc đã được xem là sản phẩm của một cuộc cách mạng trong ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng. Sự phục hồi và phát triển của ngành dâu tằm tơ còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, mỗi năm Bảo Lộc làm ra khoảng 1.000 tấn tơ, 3 triệu mét lụa, trên 200.000 sản phẩm tơ lụa... chiếm 90% tổng năng lực chế biến tơ lụa của cả tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn Bảo Lộc, hiện có khá nhiều cơ sở chế biến tơ tằm hoặc ươm tơ dệt lụa nổi tiếng như Công ty TNHH Dệt tơ tằm Vietsilk, CTCP Tơ tằm Á Châu, Công ty Kimono Japan, CTCP Tơ lụa Bảo Lộc...
Bằng sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống với công nghệ tiên tiến của thế giới, sản phẩm tơ lụa Việt Nam đã đạt đến chất lượng gần như hoàn hảo. Trong đó, những mặt hàng thông dụng được sản xuất từ tơ lụa Bảo Lộc có chất lượng vượt trội so với các nước trong khu vực, ngang ngửa với mặt hàng cùng chủng loại đạt chất lượng cao nhất trên thế giới.
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý cho UBND TP Bảo Lộc sử dụng tên địa danh “Bảo Lộc” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Lụa tơ tằm Bảo Lộc”. Đây được xem là cơ hội vàng để sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới.