Xây dựng các điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”

Sở Công Thương đang xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hoạt động này nhằm tạo điều kiện đưa hàng hóa thiết yếu mang thương hiệu Việt và hàng hóa có tiềm năng tại địa phương đến tay người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường và phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân. Ngoài ra, điểm bán hàng Việt Nam sẽ giúp khai thác tốt các tiềm năng sẵn có của địa phương, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng điểm bán hàng tại mỗi huyện, thành phố

Để triển khai mô hình tại mỗi huyện, thành phố, Sở sẽ khảo sát, chọn ra một điểm tại thị trấn hoặc trung tâm thành phố để thí điểm xây dựng.

Bên cạnh sự vận động, giới thiệu của địa phương để chọn điểm, chọn hộ tham gia, Sở Công Thương khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chủ động tham gia. Ông Cao Thiên Thọ - Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho biết, điểm bán hàng được chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về pháp lý, cơ sở vật chất, hàng hóa. Ưu tiên các điểm bán rộng, thoáng mát, có vị trí nằm ở trục đường chính, trung tâm cụm xã, thị trấn. Hàng hóa bán phải là hàng Việt Nam, không phân biệt chủng loại. Ưu tiên các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân, đặc sản của địa phương, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm rõ ràng và phải được niêm yết giá công khai với tất cả các mặt hàng. Người tham gia phải ký hợp đồng cam kết với Sở Công Thương mang tính lâu dài. Đồng thời, đối tượng tham gia mô hình sẽ được nhận các khoản hỗ trợ về bảng hiệu, logo, quảng cáo, quầy kệ, có trách nhiệm bảo quản, sử dụng đúng mục đích.

Mục tiêu lớn mà mô hình hướng đến là nhằm góp phần phát triển thị trường trong nước nói chung và địa phương nói riêng, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo kế hoạch đề ra của tỉnh, đến cuối năm 2016, có 95% người tiêu dùng và 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết đến cuộc vận động, trên 85% người tiêu dùng biết đến các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, chiếm trên 85%...

Lồng ghép kinh doanh hàng nông sản an toàn được sản xuất tại địa phương

Bà Lê Thị Đỏ - Trưởng Phòng Kinh tế TP. Bến Tre cho biết, trong năm 2016, thành phố sẽ chọn điểm để mở hai cửa hàng “Tự hào hàng Việt Nam”. Đối với điểm kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa, thành phố sẽ vận động các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao về tham gia. Đối với điểm kinh doanh hàng nông sản, trước mắt cửa hàng sẽ kinh doanh các loại trái cây đặc sản của địa phương và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn. Riêng nguồn rau an toàn, cửa hàng sẽ thu mua rau hữu cơ tại Ba Tri. Theo hướng này, người sản xuất tự cam kết về chất lượng, có bao bì, nhãn mác... bên cạnh sự giám sát của Nhà nước, theo Thông tư số 51 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua mô hình thí điểm, bước đầu người tiêu dùng đã có thể tìm mua được các loại rau, củ, quả có xuất xứ tại địa phương mà không còn cảm giác ngờ vực lẫn lộn giữa hàng hóa trong nước và ngoài nước.

Cũng theo ông Cao Thiên Thọ, đây là hoạt động thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Kinh phí xây dựng mô hình từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 50% kinh phí, phần còn lại huy động từ các đối tượng tham gia.

Bình luận của bạn